Tối 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Công ty Cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, được thành lập tháng 3/1996 do ông Huỳnh Uy Dũng (gọi là Dũng “lò vôi”) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha và là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Phương Hằng (trước khi bị bắt) và chồng là ông Huỳnh Uy Dũng
Từ năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Dũng "lò vôi" tự nhận thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành. Bà Hằng cũng kiêm luôn vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam. Bà Nguyễn Phương Hằng đồng thời đảm nhiệm vị trí TGĐ điều hành KDL Đại Nam.
Tuy nhiên, theo bản công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất của Công ty cổ phần Đại Nam được công bố vào ngày 9/2/2021, ông Huỳnh Huy Dũng vẫn được đăng ký với chức danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp này. Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Phương Hằng chỉ là Tổng giám đốc điều hành KDL Đại Nam.
Công ty Cổ phần Đại Nam được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Doanh nghiệp này nổi tiếng với dự án Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha tại tỉnh Bình Dương. Dự án này khởi công năm 1999 và mất gần 10 năm mới hoàn thành để bắt đầu đón khách.
Đồng thời, Đại Nam cũng là chủ đầu tư các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và 3 tại địa phương này. 3 khu công nghiệp này lần lượt có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, 423 tỷ đồng và 936 tỷ đồng, tương ứng diện tích 178 ha, 313 ha và 534 ha.
Dự án Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha tại tỉnh Bình Dương
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư các dự án Khu đô thị Trung tâm Hành chính TP Dĩ An, Khu nhà ở đại Nam, Khu nhà ở Sóng Thần, Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Tân An 2 cùng nhiều dự án bất động sản khác.
Nắm trong tay quỹ đất rộng lớn, doanh nghiệp của vợ chồng ông Dũng, bà Hằng riêng trong năm 2020 đã đóng hơn 1.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Con số này tương đương 15% tổng nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của DN này trong vài năm gần đây cho thấy, giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Công ty Cổ phần Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành). Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Các khoản phải chi của Đại Nam là quá lớn.
Sang năm 2017, nguồn thu của công ty tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.
Đến năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ.
Năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.
Lúc này, lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ đồng, nợ dài hạn 3.915 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Cổ phần Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng còn tham gia cùng chồng tại nhiều doanh nghiệp khác, như: Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty CP Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty Glove Đại Nam, Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh,...