Dân Việt

Đại gia tuần qua: Tỷ phú thép rót hàng nghìn tỷ vào doanh nghiệp bất động sản

Theo Thiên Lý 26/02/2022 16:08 GMT+7
Tập đoàn này cho biết phần vốn mới sẽ được góp vào Bất động sản Hòa Phát ngay trong tháng 2.

Tỷ phú Trần Đình Long rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long vừa có quyết định thông qua kế hoạch tăng vốn góp tại công ty con - Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát.

img

Tỷ phú Trần Đình Long rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản.

Theo đó, tập đoàn mẹ sẽ rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản này thông qua góp vốn trực tiếp, qua đó, tăng vốn điều lệ công ty từ 2.700 tỷ hiện tại lên 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát cũng sẽ ghi nhận thay đổi từ 99,926% lên 99,967%.

Tập đoàn này cho biết phần vốn mới sẽ được góp vào Bất động sản Hòa Phát ngay trong tháng 2.

Theo tìm hiểu, Công ty Bất động sản Hòa Phát được thành lập từ năm 2020 với vốn ban đầu 2.000 tỷ đồng. Đây là công ty quan trọng thuộc Tổng công ty bất động sản - một trong 4 thành viên trực thuộc Hòa Phát - bên cạnh Tổng công ty Gang thép, Tổng công ty sản phẩm thép và Tổng công ty nông nghiệp.

Giới tỷ phú Nga mất 39 tỷ USD một ngày

Theo Bloomberg, giới tỷ phú Nga mất khoảng 39 tỷ USD một ngày. Chốt phiên giao dịch 24/2, chỉ số MOEX của Nga mất 33% - mức giảm lớn thứ 5 trong lịch sử. Trước đó, thị trường chứng khoán Nga đã có lúc giảm gần 50%, khiến vốn hóa bốc hơi 250 tỷ USD.

img

Chiến tranh nổ ra, giới tỷ phú Nga mất hàng chục tỷ USD một ngày.

Vagit Alekperov, chủ tịch của hãng sản xuất dầu mỏ Lukoil là tỷ phú mất tiền nhất nhiều nước Nga hôm qua. Khối tài sản của ông giảm một phần ba (tương đương 6,2 tỷ USD), chỉ còn 13 tỷ USD.

Tiếp sau đó là Alexey Mordashov, chủ tịch công ty sản xuất thép Severstal đã mất 4,2 tỷ USD. Còn người giàu nhất nước Nga - Vladimir Potanin, Chủ tịch của Norilsk Nickel mất 3 tỷ USD.

Bloomberg đánh giá, cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II này có nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc hơn tới thị trường tài chính lục địa già, nhất là Nga vốn đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh. Một số tỷ phú thân thiết với Tổng thống Putin, trong đó có Gennady Timchenko đã thấy rõ rệt tác động của các lệnh trừng phạt. Từ đầu năm tới nay, Timchenko và Alekperov đã mất khoảng 10 tỷ USD mỗi người.

Thế Giới Di Động của đại gia Nguyễn Đức Tài sắp mở cửa hàng đầu tiên ở Indonesia

Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết sẽ đẩy mạnh doanh thu để đưa Bluetronics đạt điểm hòa vốn và lấn sân sang thị trường Indonesia.

Đây là thị trường tiếp theo mà đại gia bán lẻ này nhắm tới trong khu vực Đông Nam Á. Trước đó vào năm 2017, Thế Giới Di Động cũng từng xâm nhập vào thị trường Campuchia với cửa hàng điện thoại BigPhone đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh.

Thế Giới Di Động từng kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng và là bàn đạp để công ty xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.

Sau 3 năm phát triển thì BigPhone (chuyên điện thoại) được chuyển đổi sang mô hình mới Bluetronics (chuyên điện máy) để phù hợp với văn hóa tiêu dùng. Đến cuối năm ngoái, Bluetronics đã là chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất xứ chùa tháp với 50 cửa hàng và doanh thu gần 500 tỷ đồng, đóng góp 0,4% tổng doanh thu tập đoàn.

Nữ đại gia thu hàng trăm tỷ đồng khi bán sạch cổ phần công ty chứng khoán

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Chứng khoán SBS) vừa công bố bà Hà Thị Thu Hồng không còn là cổ đông lớn khi đã chuyển nhượng toàn bộ 10,4 triệu cổ phiếu, tương đương 8,3% cổ phần vào ngày 21/2 vừa qua. Tạm tính theo giá đóng cửa 14.700 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu SBS phiên 21/2, ước tính bà Hồng thu về không dưới 150 tỷ đồng sau giao dịch trên.

Trước đó, bà Hồng đã liên tục thoái vốn khỏi Chứng khoán SBS từ tháng 1. Trước khi bắt đầu thực hiện loạt giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu, nữ đại gia nắm trong tay tổng cộng 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 15,4% cổ phần công ty chứng khoán này.

Đáng chú ý, một nhà đầu tư cá nhân khác của Chứng khoán SBS cũng bán hàng chục triệu cổ phiếu vào cuối năm 2021. Tháng 11 năm ngoái, bà Lưu Thị Lợi sang tay hơn 21 triệu cổ phiếu SBS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 19% xuống chỉ còn hơn 2%, qua đó từ bỏ vai trò cổ đông lớn.

Điểm chung của hai nhà đầu tư này là dù giữ vai trò cổ đông lớn với hơn 10% cổ phần nhưng cả bà Hồng lẫn bà Lợi đều không tham gia HĐQT của Chứng khoán SBS.

Sếp Accor đầu quân cho JLL

JLL Hotels & Hospitality Group vừa bổ nhiệm ông Tuấn Nguyễn điều hành hoạt động kinh doanh đầu tư khách sạn tại Việt Nam với tư cách là Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Kinh doanh Đầu tư.

Đồng thời, ông Victor Pang trở thành Đại diện cấp cao của khu vực cho mảng Kinh doanh Đầu tư của JLL Hotels & Hospitality Group, có trụ sở tại Thái Lan.

Ông Tuấn có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành khách sạn, với vai trò gần nhất là Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Accor Việt Nam trong 5 năm.

Trong khi đó, ông Victor có thời gian làm việc tại Accor đến 32 năm. Vị trí gần nhất của ông là Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, giúp Accor mở rộng mạng lưới từ 30 lên hơn 170 khách sạn ở Thái Lan và Đông Dương.