Dân Việt

Ảnh: Nhìn lại hơn 4 tuần xung đột Nga - Ukraine

Vương Nam – Reuters 27/03/2022 18:55 GMT+7
Hơn một tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng vẫn trong thế giằng co, trong khi đàm phán hầu như chưa mang lại nhiều kết quả.

img

Xe tăng Ukraine được triển khai sau khi quân đội Nga đổ bộ vào Mariupol hôm 24.2 (ảnh: Reuters)

Hôm 24.2, Nga tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” ở Ukraine. Đến ngày 22.3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn “chưa đạt được mục tiêu ở Ukraine”.

Trong khi đà tiến của quân đội bị cho là đang chậm lại, hôm 25.3, quân đội Nga tuyên bố kết thúc giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự và chuyển trọng tâm vào vùng Donbass ly khai. Đây được cho là bất ngờ lớn nhất trong diễn biến xung đột Nga – Ukraine. Trước khi Nga mở chiến dịch, nhiều chuyên gia đã cảnh báo Kiev có thể thất thủ trong vòng chưa đầy 2 tuần.

img

Dân Ukraine lũ lượt rời nhà đi sơ tán, gây cảnh tắc đường hôm 24.2 (ảnh: Reuters)

Theo một số chuyên gia, bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến, quân đội Nga sẽ sử dụng không quân nhiều hơn nhằm giảm thương vong cho lực lượng bộ binh. Hôm 21.3, Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ (giấu tên) cho rằng, quân đội Nga thực hiện từ 150 – 200 vụ không kích ở Ukraine/ngày. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời ở Ukraine.

Sau khi Nga tuyên bố chuyển trọng tâm chiến dịch vào Donbass, nhiều ý kiến cho rằng quân đội Nga sẽ giúp 2 tỉnh Donetsk, Lugansk mở rộng tối đa diện tích kiểm soát, thậm chí vượt ra ngoài ranh giới miền đông Ukraine.

“Binh sĩ thuộc quân khu phía nam Nga đang triển khai ở Donetsk, Lugansk, Mariupol, Berdyansk, Melitopol là lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của Moscow. Họ được đào tạo để đối phó với lực lượng NATO”, Sam Cranny Evans, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh, nhận xét.

Chuyên gia Sam Cranny Evans cũng cảnh báo, việc phương Tây quá chú ý đến những thiệt hại của Nga có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm về chiến lược ở Ukraine. Trên thực tế, quân đội Nga vẫn đang bao vây và chiếm thế chủ động ở nhiều thành phố Ukraine.

img

Lực lượng Ukraine dàn trận ở Kiev, sẵn sàng kháng cự quân đội Nga hôm 25.2 (ảnh: Reuters)

img

Kiev bị pháo kích dữ dội hôm 26.2 giữa nhiều đồn đoán thành phố có thể thất thủ (ảnh: Reuters)

img

Sau khi Kiev vượt qua trận không kích hôm 26.2, phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine (ảnh: Reuters)

img

 Người dân Kiev chuẩn bị bom xăng để đối phó quân đội Nga hôm 27.2 (ảnh: Reuters)

img

Tổng thống Zelensky – người được truyền thông phương Tây ca ngợi là “linh hồn của Ukraine – trong nơi ở bí mật tại Kiev hôm 1.3 (ảnh: Reuters)

img

Dân thường ở Ukraine được huấn luyện để trở thành lính tình nguyện hôm 11.3 (ảnh: Reuters)

Từ khi xung đột nổ ra, hơn 3,5 triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa và trở thành người tị nạn. Đây là làn sóng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Hạ tầng của Ukraine bị tàn phá nặng nề và nền sản xuất hầu như không hoạt động.

img

Một góc Kiev tan hoang sau vụ không kích hôm 21.3 (ảnh: Reuters)

img

Xe tăng Nga di chuyển trên đường phố Mariupol hôm 24.3 (ảnh: Reuters)

img

NATO họp thượng đỉnh về tình hình xung đột Nga – Ukraine với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Zelensky (ảnh: Reuters)

img

 Quân đội Nga thông báo đổi chiến lược trong chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 25.3 (ảnh: Reuters)

img

 Thành phố Lviv của Ukraine bị tấn công tên lửa hôm 26.3 (ảnh: CNN)

img

 Hỏa hoạn dữ dội ở Lviv sau khi một kho nhiên liệu bị trúng tên lửa (ảnh: CNN)