Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi vẫn tiếp đà giảm giá không ngừng. Hiện tại, tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi dao động từ 50-54 nghìn đồng/kg.
Cụ thể, tại Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, giá lợn hơi chỉ vào khoảng 50-51 nghìn đồng/kg.
Tại Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, giá lợn hơi ở mức 52-54 nghìn đồng/kg.
Tương tự, tại Miền Nam và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn chỉ neo ở mức từ 53-55 nghìn đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm mạnh.
Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi đã giảm từ 8-10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn ngoài chợ vẫn neo ở mức cao.
Cụ thể, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội, giá thịt lợn vẫn neo ở mức từ 100-140 nghìn đồng/kg. Trong đó, đăt nhất là thịt ba chỉ có giá từ 120-140 nghìn đồng/kg; nạc thăn, mông, vai giòn có giá 110-120 nghìn đồng/kg; thịt chân giò có giá 110 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, xương cục, móng giò có giá từ 60-80 nghìn đồng/kg; sườn non, sườn cánh buồm có giá 120-130 nghìn đồng/kg.
Tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt lợn vẫn dao động ở mức từ 129-189 nghìn đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ có giá 189.900 đồng/kg; chân giò rút xương có giá 139.900 đồng/kg; nạc vai 149.900 đồng/kg; nạc dăm, thịt đùi có giá từ 149.900-169.900 đồng/kg…
Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh và các siêu thị thực phẩm vẫn neo ở mức cao.
Từng làm nghề mổ lợn bán hơn 10 năm, ông Tạ Văn Hồng, trú tại Phú Thọ cho biết, với giá lợn hơi như hiện tại thì thịt lợn bán tại chợ có giá từ 70-80 nghìn đồng/kg là đã có lãi rồi.
“Nếu như con lợn 1 tạ, bắt với giá 50 nghìn đồng/kg hơi, mổ xong và bán ra với giá từ 70-80 nghìn đồng/kg thì người bán thịt sẽ có lãi ít nhất là 1 triệu đồng rồi. Nếu bán từ 100-130 nghìn đồng/kg như ở Hà Nội là quá lãi”, ông Hồng nhấn mạnh.
Lý giải về điều này, bà Hoa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khác với các tiểu thương ở một số vùng nông thôn, tiểu thương ở thành phố không được tự ý giết mổ mà phải nhập lợn móc hàm từ các chợ đầu mối với mức cao.
“Với giá móc hàm trên 80 nghìn đồng/kg rồi thì làm sao chúng tôi lấy về bán 80 nghìn đồng/kg được. Phải bán trên 100 nghìn đồng/kg chúng tôi mới có lãi”, bà Hoa cho biết.
Theo bà Hoa, lợn xuất chuồng phần lớn được các thương lái nhỏ lẻ mua gom vận chuyển về lò mổ. Thêm từ 2-3 khâu trung gian nữa mới đến tay người tiêu dùng, thêm các chi phí như vận chuyển, kiểm dịch, thuê kho bãi, thuế, thuê sạp bán hàng… dẫn đến giá thịt thành phẩm đến tay người tiêu dùng luôn ở mức cao.