Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của "ông hoàng truyện kinh dị" Stephen King và phiên bản phim kinh điển năm 1976, Carrie (Cơn thịnh nộ của Carrie) (phiên bản 2013) do Chloe Grace Moretz đóng vai chính, làm người xem phải lạnh gáy về mức độ kinh dị trong cả hình ảnh lẫn câu chuyện và thông điệp bên trong.
Carrie là một cô bé nhút nhát, ngây ngô, thiếu kiến thức cơ bản nhất về tuổi dậy thì do không được mẹ dạy. Mẹ cô, một kẻ cuồng tín, vốn tin rằng con gái mình là hiện thân của quỷ dữ. Trong phòng tắm nữ trường trung học, Carrie sợ hãi khi phát hiện cơ thể chảy máu, cô hoảng loạn cầu xin bạn bè cứu mình mà không biết đó chỉ là một hiện tượng bình thường. Không một ai giúp Carrie. Tất cả đều cười cợt và ném đồ vào người cô, trong đó có Chris và Sue. Chris còn quay video để đăng lên mạng.
Carrie hoảng sợ tột cùng khi phát hiện cơ thể chảy máu
Thay vì giải thích và giúp đỡ, các nữ sinh đã chế giễu, ném đồ vào người cô và quay phim lại
Từ đó, Carrie trở thành mục tiêu bị cả trường bắt nạt. Ngoài cổng trường, trên hành lang, trong lớp học, đâu đâu cũng có những kẻ chờ chực giễu cợt cô. Trong lúc chạy trốn đám bạn học, Carrie làm nứt vỡ một chiếc gương chỉ từ việc nhìn chằm chằm vào nó. Cô bé nhận ra mình có năng lực kỳ lạ: điều khiển mọi vật bằng tâm trí.
Sue ân hận vì đã chế giễu Carrie. Cô nhờ bạn trai mình là Tommy đưa Carrie đến vũ hội như lời chuộc lỗi. Carrie mặc bộ váy mới dự vũ hội trong tâm trạng khấp khởi. Cô dùng năng lực siêu nhiên để giữ mẹ mình lại trong nhà khi bị bà cấm đoán. Vậy mà màn chào đón Carrie lại là trò chơi khăm ác độc của Chris. Cô ta dội máu heo lên người cô, đồng thời phát video trong phòng tắm nữ lên màn hình lớn tại vũ hội. Tất cả học sinh cười nhạo Carrie, như cách chúng vẫn làm lâu nay. Chris sợ gặp rắc rối với giáo viên nên đã bỏ chạy, cô ta vô tình khiến xô máu rơi xuống đầu Tommy, khiến cậu bạn tử vong.
Cơn thịnh nộ của Carrie ập đến. Cô phá hủy tất cả, những kẻ đã chế nhạo cô đều nằm lại dưới đống đổ nát của đêm vũ hội.
Đứa trẻ lạc lối bị "bạo hành" ở những nơi lẽ ra nên là "chốn an toàn"
Carrie không nhận được sự yêu thương ở gia đình. Lối nuôi dạy từ bà mẹ cuồng tín khiến cô ngờ nghệch, cả tin, yếu ớt về tâm lý và không biết cách đối phó với những tình huống ngoài xã hội.
Ở trường học, thay vì giúp đỡ Carrie, đám bạn học đã ra sức chế nhạo cô. Nếu đây là một câu chuyện bình thường thì sau những năm trung học ngắn ngủi, có lẽ Carrie cũng sẽ bị lãng quên. Những kẻ bắt nạt sẽ chẳng nhớ nổi vết thương chúng đã gây ra cho nạn nhân. Carrie chỉ đơn giản là một trò đùa, một mục tiêu để giải trí, để những đứa trẻ khác cảm thấy ưu việt hơn khi bên cạnh chúng có một kẻ ngốc nghếch đến dị biệt như vậy. Kể cả Sue, người "tốt bụng" duy nhất trong đám học sinh, cũng vô tình chuộc lỗi với tư thế của một kẻ ban ơn: đề nghị bạn trai mình mời cô gái ngốc nghếch kia đến dự vũ hội vốn dành cho các cặp đôi.
Khoảnh khắc Carrie phát hiện ra năng lực của mình
Thế giới của cô gái 16 tuổi Carrie đơn giản đến đáng thương. Cô như một tấm gương phản chiếu lại cách những người xung quanh đối xử với mình. Những tủi nhục, căm phẫn, hoảng loạn của Carrie được Stephen King "hữu hình hóa" thành năng lực siêu nhiên. Hãy nhìn vào cách cô làm rạn gương, cách cô nghiền nát vũ hội, xé toạc mặt đường, bóp nứt chiếc xe hơi, khiến ngôi nhà sụp đổ... Bạo hành tinh thần đến từ người mẹ và đám bạn học cũng làm tâm hồn Carrie nứt vỡ, méo mó và sụp đổ y như vậy.
Sức mạnh khổng lồ nằm trong tay một cô gái non nớt bị tổn thương đến cực điểm, vậy thì hủy diệt tất cả là cái kết duy nhất.
Poster gây ám ảnh của phim. Carrie toàn thân đẫm máu đang dùng sức mạnh siêu nhiên chặn xe của Chris lại.
Điểm sáng hiếm hoi về sự cảm thông, dù nó nhợt nhạt và có phần lệch lạc, chính là Sue. Ở cuối phim, Carrie đã dùng năng lực siêu nhiên đẩy Sue ra khỏi ngôi nhà sắp sụp đổ sau khi phát hiện Sue mang thai. Để rồi sau đó, cô tự chôn vùi cả mình lẫn người mẹ cuồng tín đáng thương và đáng hận dưới ngôi nhà nơi mình đã lớn lên.
Cũng giống những tác phẩm nổi tiếng khác của Stephen King được chuyển thể lên màn ảnh như Gã hề ma quái (IT), Quái vật sương mù (The Mist), Khách sạn ma ám (The Shinning)... Carrie cũng dùng các yếu tố kinh dị, siêu nhiên nhằm lột tả sự thực cuộc sống, mặt tăm tối của con người ở mức tột cùng.