Nếu xét theo năm Tân Sửu (từ 17/02/2021 đến 28/01/2022), VN-Index đạt 1,478.96 điểm, tăng 32.65%. Ở sàn HNX, chỉ số HNX-Index đạt mức 416.73 điểm, tăng 85.3%. Trong năm Tân Sửu, chỉ số VN-Index giữ xu hướng tăng và nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11/2021 khi chỉ số chạm mốc 1,500.81 điểm.
Như vậy, VN-Index trong năm Tân Sửu tăng gần 33% so với cuối năm Canh Tý.
Làn sóng gia nhập của nhà đầu tư mới dữ dội đẩy lợi nhuận các công ty chứng khoán thăng hoa
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/01/2021, mức vốn hóa thị trường đạt gần 7.6 triệu tỷ đồng, tương đương 330 tỷ USD.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu bùng nổ và tăng mạnh trong năm Tân Sửu nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức gần 17,000 tỷ đồng/phiên trong tháng 2, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40 ngàn tỷ đồng/phiên, trong đó ngày 19/11/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.1 ngàn tỷ đồng.
Tính chung cả năm Tân Sửu, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt hơn 27.6 ngàn tỷ đồng/phiên.
Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Trong năm 2021 đã có hơn 1.5 triệu tài khoản được mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4.3 triệu tài khoản, tăng 55% so với cuối năm 2020.
Nhìn lại năm 2021 không những đánh dấu một năm phá các kỷ lục (như số lượng tài khoản mở mới cao kỷ lục, giá trị giao dịch cao kỷ lục, chỉ số liên tục thiết lập các đỉnh cao mới), mà chỉ số VN-Index là một trong những thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, vượt trội hơn cả các thị trường phát triển (chỉ số MSCI các thị trường phát triển tăng 20%), Mỹ (chỉ số S&P 500 tăng 27%), Đài Loan (TWSE tăng 24%), và Ấn Độ (Sensex tăng 22%).
HNX-Index đạt mức tăng 133,35%, tốt nhất châu Á. VN-Index kết thúc với mức tăng trưởng 35,6% và 463/1724 cổ phiếu có mức tăng hơn 100% trong năm qua.
Làn sóng gia nhập của nhà đầu tư mới dữ dội đẩy lợi nhuận các công ty chứng khoán thăng hoa.
Nhờ những con số ấn tượng trên, năm 2021, hàng loạt các công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục kể từ khi thành lập.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ Chứng khoán SSI cán mốc 3.327 tỷ đồng, tăng 113% - tương đương một ngân hàng quy mô vừa tại Việt Nam. Riêng quý 4, công ty mẹ SSI đã lãi 1.264 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TCBS năm 2021 cũng phá kỷ lục và đạt vị trí quán quân lợi nhuận của ngành với 3.810 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của TCBS đến nhiều từ hoạt động kinh doanh trái phiếu, thu xếp vốn cho các doanh nghiệp.
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đạt lợi nhuận riêng công ty mẹ 2.178 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ. Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng bứt phá mạnh khi lợi nhuận trước thuế cán mốc 1.753 tỷ đồng, tăng 87%; HSC đạt 1.430 tỷ, tăng 117% so với năm trước; Chứng khoán Bản Việt đạt 1.851 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 95%. Công ty Chứng khoán Mirae (MAS) đạt 957 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị phần môi giới chứng khoán ba sàn HOSE, HNX, UpCom là Chứng khoán VPS nhưng lợi nhuận khá lép vế khi đạt 995 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Hàng loạt công ty chứng khoán khác cũng báo lãi từ vài trăm lên đến xấp xỉ nghìn tỷ. Trong đó, là hiện tượng FPTS đạt mốc lợi nhuận 981 tỷ đồng tăng tới 345% và VIX đạt 907 tỷ đồng, tăng 121%... tiếp theo là MBS đạt 736 tỷ đồng, tăng 119%, VCBS đạt 730 tỷ đồng tăng 125%… ngoài ra phải kể đến CTS đạt 482 tỷ đồng, tăng 220%; ; BSC đạt 436 tỷ, tăng 170%; VDSC đạt mức 535 tỷ đồng tăng 177%.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại lễ đánh cồng năm 2022 cho biết ngành chứng khoán đã giành được nhiều thắng lợi trong năm 2021.
"Năm 2021, thu trên thị trường chứng khoán đã đạt khoảng gần 11.000 tỷ đồng, tăng rất tốt so với con số 5.200 tỷ đồng của năm 2020" – Bộ trưởng cho biết.