Dân Việt

Tinh túy nghề chạm bạc Đồng Xâm

Hồng Hương 31/01/2022 20:55 GMT+7
Nghề chạm bạc xuất hiện ở làng Đồng Xâm (huyện Kiến Xương, Thái Bình) từ thế kỷ 15. Đến nay, những người con nơi đây vẫn yêu và gìn giữ tinh hoa nghề Tổ. Trong tiết xuân, cùng lắng nghe nghệ nhân Đinh Xuân Thắng chia sẻ về nghề.

Qua nhiều thăng trầm, nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn giữ được những tinh hoa truyền thống của làng nghề. So với nhiều nghề truyền thống khác, nghề chạm bạc không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng.

Tuy nhiên, công việc này cũng bị mai một do chịu tác động của nền kinh tế đang thay đổi từng ngày như hiện nay, lớp thanh niên trẻ lớn lên có quá nhiều công việc với thu nhập cao để lựa chọn.

img

               Nghề chạm bạc xuất hiện ở làng Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình)

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng, sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình), gia đình ông Thắng đã có ba đời làm nghề và đến ông là đời thứ tư. Từ thuở nhỏ, ông đã theo ông nội và bố để học nghề. Sau khoảng thời gian dài tham gia thanh niên xung phong rồi đi nghĩa vụ quân sự, ông Thắng lại trở về làng tiếp tục giữ “lửa nghề” của cha ông cho đến ngày hôm nay.

Với những đồ chạm khắc thủ công mỹ nghệ tinh xảo trên chất liệu bạc, đồng, thậm chí cả vàng, tại Việt Nam ông Thắng được coi là một trong những nghệ nhân đứng đầu bảng. 

Ngừng tay tiếp lời phóng viên giữa những thanh âm của búa, đục, máy tiện leng keng, ông Thắng cho biết, hiện trong nhà đồ trang sức, đồng hồ cổ, đồ thờ cúng,… đang rất nhiều. Đó là những sản phẩm khách đặt hàng đang chờ hoàn thiện cho dịp Tết.

Một điểm chung là sản phẩm nào cũng cần trải qua các công đoạn gò, xi, chạm khắc, ghép, nướng, làm nguội, hàn vành... Không phải người thợ nào cũng giỏi để thực hiện hết các công đoạn bởi có người giỏi công đoạn ghép, người giỏi công đoạn chạm khắc. Tuy nhiên, một người thợ giỏi thì điều cần nhất là phải có năng khiếu, trước khi nói đến đam mê, sự tỉ mỉ, mới có thể chạm khắc ra những sản phẩm nhìn có “hồn cốt”.

img

Tuy nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nghề chạm bạc dường như đứng ngoài cuộc

“Có những sản phẩm khách đặt, nhưng qua hàng tháng trời thậm chí lâu hơn nữa mới có thể hoàn thiện. Công việc này không thể vội vàng cũng không phải ai cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, đặc biệt người thợ phải có năng khiếu và yêu nghề mới có thể theo nghề.” – ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cho biết thêm, sản phẩm của xưởng thường chỉ làm theo đơn đặt hàng, trong nước có, nước ngoài có, có sản phẩm giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào độ tinh xảo, công sức, nguyên liệu bỏ ra.

Thực tế, những nghệ nhân về chạm bạc không có nhiều, bởi lẽ, đây là công việc yêu cầu sự công phu, tỉ mỉ, chính xác hoàn hảo, đòi hỏi trình độ tay nghề người thợ rất cao.

img

Ông Đinh Quang Thắng - một trong những nghệ nhân tại làng Đồng Xâm, Thái Bình

Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh, cần tới 10 công đoạn khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là các công đoạn: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu, đấu là hàn các chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn) và chạm (kĩ thuật quyết định sự tinh xảo hay không của sản phẩm).

Là công việc không phải ai cũng làm được, nhưng theo ông Thắng, nếu chỉ làm nghề này cũng không thể giàu bởi có thể hiểu ngắn gọn đây là một nghề chân chính, không phải là kinh doanh. Hiện, xưởng của ông Thắng luôn duy trì 12-15 lao động lành nghề làm việc với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.

“Đây là nghề của cụ Tổ để lại, con cháu như chúng tôi làm là một hình thức duy trì nghề tổ. Công việc này cũng giúp mang lại thu nhập, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Song, so với nhiều công việc khác hiện nay thì nghề chạm bạc không sánh được. Do đó, ngoài duy trì công việc, những người làm thợ tại làng vẫn kết hợp làm thêm nông nghiệp, các công việc đồng áng ở quê” – ông Thắng trải lòng.

Trong những năm gần đây, để “bắt nhịp” cùng thời đại công nghiệp 4.0, những người thợ Đồng Xâm đã nắm bắt và linh hoạt giữa việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu được làm theo yêu cầu của khách hàng với sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống, trang trí nội thất cho các đình, chùa… Nhờ đó, công việc và đơn đặt hàng nhiều hơn, thu nhập của mỗi người thợ của làng Đồng Xâm cũng khá hơn và điều quan trọng nhất là “tiếng vang” của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm sẽ vang xa hơn nữa.