Dân Việt

Tiêu hủy hàng nghìn vũ khí khiến Ukraine mất khả năng phòng thủ, giờ Mỹ phải "trả nợ"?

Vương Nam – tổng hợp 31/03/2022 18:55 GMT+7
Ít người biết rằng, gần 20 năm trước, Mỹ đã chi hàng chục triệu USD để thúc đẩy Ukraine tiêu hủy cả trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược. Hiện tại, trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Mỹ lại viện trợ hàng tỷ USD vũ khí để giúp Kiev phòng thủ.

img

Mỹ viện trợ hàng trăm triệu USD vũ khí cho Ukraine trong một thời gian ngắn (ảnh: CNN)

Hôm 15.3, Tổng thống Mỹ Biden ký dự luật ngân sách, trong đó dành 13,6 tỷ USD viện trợ an ninh và nhân đạo cho Ukraine. Một ngày sau, ông Biden công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine.

Theo đó, ngoài 800 tên lửa phòng không vác vai Stinger, Ukraine còn nhận được 100 máy bay không người lái vũ trang Switchblade, 9.000 vũ khí chống tăng, 7.000 súng bộ binh, 20 triệu viên đạn các loại cùng 25.000 bộ áo chống đạn và mũ bảo hiểm.

Một số chuyên gia nói với Daily Mail rằng, việc Mỹ dẫn đầu phương Tây trong viện trợ quân sự cho Ukraine thực chất là một hành động “trả nợ”.

Quay trở lại năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (khi đó còn là thượng nghị sĩ) cùng với cộng sự là Dick Lugar đã nỗ lực kêu gọi Washington thông qua khoản chi trị giá 48 triệu USD để giúp Ukraine tiêu hủy hàng nghìn tấn súng và đạn dược. Nếu còn số vũ khí này, Ukraine có lẽ đã không bị quân đội Nga áp đảo về hỏa lực như hiện nay, theo National Review.

img

Ông Obama thị sát một nhà máy đang tiêu hủy đạn pháo của Ukraine hồi năm 2015 (ảnh: Reuters)

Tháng 8 năm 2005, cùng với thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Dick Lugar, ông Obama đã có chuyến công du đến Ukraine. Trước khi gặp gỡ cựu Tổng thống Ukraine Victor Yushchenko tại Kiev, ông Obama đã ghé thăm một nhà máy tiêu hủy vũ khí cũ ở Donetsk.

Daily Mail đưa tin, trong cuộc họp với ông Victor Yushchenko, ông Obama đưa ra quan điểm rằng, Chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa giữa Mỹ và Ukraine nên được mở rộng phạm vi. Theo đó, Ukraine sẽ không chỉ tiêu hủy vũ khí hạt nhân cũ còn sót lại từ thời Liên Xô mà còn cần tiêu hủy cả các loại vũ khí thường như pháo phòng không, súng trường tự động, đạn pháo…

Sau khi trở lại Washington, ông Obama cùng Dick Lugar kêu gọi Mỹ nên trích thêm kinh phí để Ukraine mở rộng và đẩy manh tốc độ tiêu hủy hơn 400.000 vũ khí hạng nhẹ, 1.000 tên lửa phòng không và 15.000 tấn đạn dược.

img

Ông Obama và thượng nghị sĩ Mỹ Dick Lugar ở Ukraine 2015 (ảnh: Reuters)

“Mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất chúng ta phải đối mặt là vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố. Những gì tôi đang làm cùng thượng nghị sĩ Dick Lugar là ngăn chặn việc quản lý lỏng lẻo vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải dẫn dắt thế giới giảm thiểu mối đe dọa từ vũ khí. Từ đó, chúng ta có thể khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới”, ông Obama phát biểu.

Sáng kiến của ông Obama dựa trên chương trình Nunn-Lugar năm 1990 của Mỹ và Liên Xô. Chương trình Nunn-Lugar do Mỹ đề xuất đã cung cấp kinh phí và chuyên môn để Liên Xô tiêu hủy một số kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, sáng kiến của ông Obama không chỉ tập trung vào tiêu hủy vũ khí hạt nhân còn sót lại ở Ukraine mà còn cả vũ khí thông thường có mức độ sát thương cao.

“Có hàng chục kho vũ khí thông thường và thiết bị quân sự ở Ukraine. Một số có từ Thế chiến I và II, nhưng hầu hết sót lại từ Chiến tranh Lạnh. Chúng ta cần loại bỏ số vũ khí này vì sự an toàn của người dân Ukraine và toàn thế giới. Chúng ta sẽ xây dựng một thế giới không có xung đột”, ông Obama phát biểu hồi tháng 8.2005 ở Donetsk.

img

Ông Obama bắt tay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong một cuộc gặp năm 2015 (ảnh: Sky News)

Năm 2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush chấp thuận sáng kiến Obama - Lugar và ký thành luật. Theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ 48 triệu USD để giúp Ukraine “xử lý hiệu quả vũ khí”, theo Washington Post.

“Chúng tôi đã thảo luận về việc phá hủy mìn, vật liệu nổ nguy hiểm khác. Ukraine có kho dự trữ khổng lồ còn sót lại từ hàng thập kỷ trước. Đó là mối nguy hiểm cho người dân của đất nước này cũng như các nước khác”, ông Lugar phát biểu năm 2006.

“Hàng nghìn vũ khí hủy diệt hàng loạt đã bị loại bỏ, nhưng chúng ta vẫn phải làm nhiều hơn nữa để giữ cho những vũ khí sát thương cao không rơi vào tay khủng bố”, ông Obama nói về hiệu quả của sáng kiến Obama – Lugar.

Theo sáng kiến Obama – Lugar, 117.000 tấn đạn dược và 1,1 triệu vũ khí của Ukraine dự kiến sẽ bị phá hủy trong vòng 12 năm. Đáng nói là, kể từ khi tách khỏi Liên Xô, quân đội Ukraine ngày càng trở nên yếu kém và lạc hậu về vũ khí.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, dựa trên sáng kiến Obama – Lugar, Ukraine đã tiêu hủy cả súng trường tự động, súng máy hạng nặng, vũ khí chống tăng, vũ khí phòng không. Kết quả là khi tiến vào Ukraine, các sư đoàn xe tăng Nga không gặp nhiều kháng cự quy mô lớn từ pháo binh và hệ thống phòng không của nước láng giềng.

Nhiều chuyên gia nói với Daily Mail rằng, Ukraine đã tiêu hủy nhiều đạn pháo cần thiết để đẩy lùi xe tăng Nga. Trong khi đó, số vũ khí hạng nhẹ bị tiêu hủy sẽ trở nên hữu ích nếu được sử dụng để huấn luyện và trang bị cho quân tình nguyện ở Ukraine trong xung đột với Nga hiện nay.

“Quan chức Mỹ đi đầu trong việc giải giáp Ukraine không ai khác là ông Barack Obama”, Daily Mail dẫn lời một chuyên gia phân tích (giấu tên) trong một bài viết từ năm 2014.

Theo Andrew C. Mccarthy – chuyên gia phân tích của National Review – ông Obama đã sai lầm khi cho rằng, vũ khí, chứ không phải tư tưởng phát xít, là nguyên nhân khiến an ninh thế giới trở nên bất ổn.

Suốt 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama (2009 – 2017), Mỹ gần như không viện trợ quân sự cho Ukraine.

Năm 2014, khi tình hình an ninh ở Ukraine trở nên bất ổn, ông Obama đã có cuộc gặp với Tổng thống mới đắc cử của Ukraine – ông Petro Poroshenko. Trong cuộc gặp diễn ra ở Ba Lan, ông Obama cam kết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine số áo giáp, kính nhìn đêm và thiết bị liên lạc trị giá 5 triệu USD. Trong khi đó, thứ ông Poroshenko đề xuất là vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không, theo Sky News.

“Họ không tới để xin một chiếc ủng”, John McCain – thượng nghị sĩ Mỹ – nói với New York Times về quyết định của ông Obama.

“Năm 2014, tôi đã phát biểu rằng Mỹ nên viện trợ vũ khí cho Ukraine. Điều đó không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn bởi chính chúng ta đã tước đi vũ khí của họ. Ông Obama không muốn trang bị vũ khí cho Ukraine bởi khi còn là thượng nghị sĩ, ông ấy đã dẫn đầu nỗ lực giải giáp vũ khí của Ukraine”, Eli Lake – chuyên gia phân tích của Bloomberg – nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2017.

Theo ông Eli Lake, chính quyền của ông Obama từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vì sợ rằng điều đó sẽ kích động Nga.

img

Thiếu vũ khí, Ukraine chịu thiệt hại nặng nề bởi quân đội Nga (ảnh: Daily Mail)

Theo The Times, trong xung đột với Nga, Ukraine tiêu tốn lượng vũ khí, đạn dược khổng lồ và nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Paul Grod – Chủ tịch Đại hội Thế giới Ukraine – nói với The Times rằng, Ukraine đang rơi vào tình trạng cạn kiệt vũ khí khi Đức và Pháp không chuyển giao vũ khí hỗ trợ như cam kết.

Theo Guardian, quân đội Ukraine đã sử dụng gần hết vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không vác vai mà Mỹ và phương Tây hỗ trợ. Mới đây, Ukraine đề nghị Washington viện trợ khẩn cấp 500 tên lửa chống tăng Javelin và 500 tên lửa phòng không Stinger mỗi ngày giúp nước này đối phó với quân đội Nga.