Dân Việt

Hoàng đế Trung Hoa nghiện thuốc kích dục, bị cung nữ truy giết như phim

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, có hoàng đế từng lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, khi một năm tuyển chọn tới 1.258 mỹ nữ vào cung phục vụ mình.

img

Hoàng đế nhà Minh Chu Hậu Thông vì đam mê thần dược mà vô tình gây ra cuộc biến loạn lớn trong hậu cung.

Minh Thế Tông Chu Hậu Thông (1507 – 1567) là hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa. Ông được coi là người có những đóng góp tích cực, giúp ổn định triều đại nhà Minh và cũng là một trong những hoàng đế tại vị trên ngai vàng lâu nhất.

Nhưng Chu Hậu Thông cũng phạm phải sai lầm của các bậc đế vương đi trước. Đó chính  ham muốn hưởng thụ mỹ nhân khắp thiên hạ và mong muốn trường sinh bất lão.

Hoàng đế hoang dâm vô độ

Theo Sina, Chu Hậu Thông là một trong những hoàng đế hoang dâm có tiếng của nhà Minh, thậm chí có thể sánh ngang hoàng đế "hoang dâm số 1 triều Minh” - Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu.

Minh Vũ Tông thích sử dụng vũ lực để cướp các mỹ nữ trong thiên hạ, xây hẳn cung điện riêng làm nơi vui chơi hưởng lạc, "thoát khỏi sự ràng buộc bí bách của cung cấm”.

Trong khi đó, Chu Hậu Thông lại tuyển chọn mỹ nữ theo cách chính thống và chính đáng hơn.

Theo Sina, để công khai tuyển chọn mỹ nữ vào cung, Chu Hậu Thông từng tuyên bố: “Ta tuyển thêm các thê thiếp để càng có thêm nhiều con, biết rằng việc này sẽ gây quấy rầy dân chúng. Những người không hiểu có thể nói ta dâm đãng, nhưng thực ra ta làm điều này vì giang sơn”.

Hoàng đế nói xong liền phái người đi do thám, chỉ riêng năm Gia Tĩnh thứ chín (1530) đã chọn được 1.258 mỹ nữ vào cung. Đây được coi là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

img

Có năm Chu Hậu Thông tuyển tới hơn 1.200 mỹ nữ trên khắp Trung Hoa.

Năm đó, Chu Hậu Thông 24 tuổi, độ tuổi vẫn còn rất trẻ khỏe. Tuy vậy, có những cung nữ phải chờ đến 4 năm mới được phục vụ hoàng đế một lần.

Những người kém may mắn có thể bị hoàng đế lãng quên, lãng phí tuổi trẻ trong cung cấm, trong khi vẫn là trinh nữ.

Theo trang mạng chuyên về lịch sử Trung Quốc Qulishi, Chu Hậu Thông vốn không phải là người khỏe mạnh, hay có thể nói là ốm yếu, nhưng không biết giữ gìn, lại ngày đêm hoang dâm vô độ.

Năm Gia Tĩnh thứ 13 (1534), hoàng đế mới 28 tuổi, nhưng đã không thiết triều trong một tháng vì ốm.

Trước đó, Chu Hậu Thông cũng trực tiếp làm lễ bái trời trong hai năm liên tiếp vì các vấn đề thể chất. Sử sách nhà Minh từng chép lời hoàng đế: “Ta vốn hay bị bệnh từ nhỏ. Mỗi lần như vậy cần 5-7 ngày để khỏe lại. Nhiều năm trôi qua, cơ thể không còn được như trước, vì vậy mà đã hai năm không thể đích thân làm lễ tế trời đất. Ta muốn điều chỉnh để khỏe mạnh hơn trong năm tới, nhưng thời gian gần đây, tình trạng bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, ho có đờm, đêm không ngủ được, nên cả tháng trời không thiết triều”.

Đam mê thần dược đến chết

Ở tuổi trung niên, Chu Hậu Thông quay sang đam mê đạo giáo, tin vào những đan dược do đạo sĩ bào chế.

Trong số những bài thuốc mà Chu Hậu Thông từng sử dụng, nổi tiếng hơn cả phải kể tới một thứ thuốc được cho là vừa có khả năng đem lại sự bất tử, vừa tăng cường bản lĩnh phòng the.

Bài thuốc được bào chế với thành phần chính là một nguyên liệu mà khó ai có thể tin nổi. Đó chính là kinh nguyệt của những thiếu nữ mới có kinh lần đầu, theo một số tài liệu chép về giai đoạn này.

Tương truyền rằng, bài thuốc bí truyền kia vốn là của một phương sĩ tên Lương Cao Phụ sống tới ngoài 80 tuổi ở Nam Dương, chỉ cần dùng một lần là đêm đó có thể "chiều lòng" tới … 10 mỹ nữ.

Một đạo sĩ tên Đào Trọng Văn đã được tiến cử vào cung để bào chế phương thuốc ấy cho nhà vua. Loại thuốc kỳ bí phần nào giúp Chu Hậu Thông trở thành "anh hùng trong chuyện ấy". 

Để có đủ nguyên liệu nhằm bào chế loại dược vật kia, khắp nơi đã phải tiến cống tới hàng ngàn cung nữ vào cung, dù là những thiếu nữ chưa trưởng thành.

img

Chu Hậu Thông còn bị phê phán về cách đối xử với 3 hoàng hậu, khiến 3 người chết sớm. Ảnh minh họa.

Kể từ đó, Chu Hậu Thông ngày càng trở nên háo sắc, phóng túng vô độ. Có lần sau khi mới uống thuốc xong, nhà vua quay sang trêu ghẹo một cung nữ rót rượu mới 13 tuổi. Chưa thỏa mãn, hoàng đế còn truyền thêm phi tần vào cung để giúp mình "hạ hỏa".

Nhưng không phải lúc nào những loại đan dược cũng phát huy tác dụng. Theo Qulishi, dùng thuốc bồi bổ cơ thể chỉ mang tính nhất thời, đôi khi do thể trạng mà ngay cả thuốc cũng không có tác dụng. Thậm chí, theo thời gian, sức khỏe ngày càng tụt dốc. Đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng Chu Hậu Thông không những không hiểu, mà còn đổ lỗi cho các cung nữ, phi tần “vì kém hợp tác”.

Nhiều lần không thể sung mãn, Chu Hậu Thông thay đổi tính nết, ngày càng trở nên tàn bạo, trừng phạt những cung tần mỹ nữ một cách vô cớ. Nhiều cung nữ nhẹ thì bị mắng mỏ, nặng thì bị đánh bằng gậy, cá biệt có trường hợp bị đánh đến chết. Theo Minh sử, ít nhất 200 cung nữ đã chết do bị Minh Thế Tông hành hạ.

Không chỉ bị ám ảnh bởi thuốc kích dục, Minh Thế Tông còn khao khát được trường sinh bất tử để mãi mãi hưởng thụ khoái lạc nhân gian. Ông ta cho xây dựng phòng luyện đan dược trong cung và mời rất nhiều đạo sĩ tới mong cầu được thuốc tiên. Quan lại trong triều thấy Thế Tông hâm mộ Đạo giáo, cũng đua nhau tu đạo, ăn mặc như đạo sĩ để lấy lòng hoàng đế.

Minh sử chép, vào những năm cuối đời, Minh Thế Tông ngày càng trở nên sợ chết và khao khát bất tử. Đào Trọng Văn nói rằng dùng máu kinh nguyệt của trinh nữ có thể luyện ra được tiên dược, Thế Tông cũng nghe theo. Ông ta bắt hàng nghìn trinh nữ tuổi từ 12 – 15 để lấy máu kinh nguyệt. Những cô gái khốn khổ này hàng ngày chỉ được uống nước sương, ăn lá dâu tằm để cơ thể được sạch sẽ.

Các cung nữ trong cung được lệnh phải chuẩn bị thật nhiều nước sương sớm và lá dâu tằm non để nuôi hàng nghìn trinh nữ. Nếu nguồn máu bị thiếu hoặc không đảm bảo chất lượng, họ sẽ bị đánh đập dã man. Trong số đó, 2 cung nữ đã có tuổi tên Dương Kim Anh và Hình Thúy Liên bị đánh nhiều nhất.

Theo Minh sử, năm Gia Tĩnh thứ 21 (1542), để lấy lòng hoàng đế, quan đại thần Nghiêm Tung dâng lên một con rùa ngũ sắc. Nói khoác rằng nó là linh vật nghìn năm bắt được từ núi Hoa Sơn. Minh Thế Tông Chu Hậu Thông tưởng thật, bắt các cung nữ phải nuôi rùa cho thật cẩn thận trong hồ ngự uyển để thỉnh thoảng đưa phi tần tới thăm. Chẳng bao lâu sau, con rùa ngũ sắc chết đúng phiên chăm sóc của 2 cung nữ Dương Kim Anh và Hình Thúy Liên.

Biết bản thân cũng những chị em khác khó tránh tội chết, Dương Kim Anh và Hình Thúy Liên rắp tâm giết Chu Hậu Thông. Họ cho rằng chỉ khi vua chết thì trong cung mới xảy ra hỗn loạn, không ai để ý tới việc rùa chết. Dương Kim Anh và Hình Thúy Liên lôi kéo thêm 14 cung nữ khác tham gia vào vụ ám sát “vô tiền khoáng hậu này”. Sẵn mối thâm thù với hoàng đế, tất cả đều một lòng giết vua.

Minh sử chép, ngày 21.10.1542, Chu Hậu Thông bày tiệc tế thần, uống rất nhiều rượu. Về tới cung lại hành lạc nhiều lần nên ngủ mê mệt. Nhóm Dương Kim Anh và Hình Thúy Liên giả vờ hầu hạ, nhưng khi tới gần vua thì kẻ giữ tay, giữ chân, người thì bịt miệng không cho Thế Tông kêu cứu.

Dương Kim Anh là người chịu trách nhiệm chính trong việc ám sát. Cô rút sợi thừng kết bằng tơ tằm đã chuẩn bị sẵn để siết cổ vua rồi ra sức kéo chặt. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó hoặc do quá sợ hãi, Dương Kim Anh đã thắt nhầm nút khiến thòng lọng không thể thắt vào.

Thấy Chu Hậu Thông không tắt thở, Dương Kim Anh tự tay bóp cổ đến khi hoàng đế nhà Minh ngừng giãy giụa. Trong khi đồng bọn tìm cách bỏ chạy, Dương Kim Anh rút chiếc trâm bạc cài tóc, đâm mạnh vào hạ bộ Chu Hậu Thông rồi cũng cuống cuồng tẩu thoát.

Nào ngờ, cú đâm quá đau khiến Chu Hậu Thông sực tỉnh kêu lớn. Đám thị vệ, thái giám bên ngoài nghe động lập tức ùa vào, bắt sống Dương Kim Anh cùng một vài cung nữ khác. 16 cung nữ tham gia ám sát hoàng đế bị xử tử bằng hình phạt ghê rợn nhất – lăng trì.

Theo Sohu, vụ ám sát của các cung nữ là biến cố kinh hoàng nhất đời Minh Thế Tông. Phải mất hơn 2 tháng sau, ông ta mới hồi phục hoàn toàn. Cung Càn Thanh từ đó về sau luôn được đặt 27 chiếc giường, bày biện như có người đang ngủ để không ai biết được hoàng đế thực sự ngủ ở đâu.

Sự kiện 16 cung nữ ám sát Minh Thế Tông xảy ra vào năm Nhâm Dần được lịch sử gọi là “ Nhâm Dần cung biến”, có một không hai trong lịch sử thế giới. Năm 1567, Minh Thế Tông vì quá lạm dụng thuốc kích dục, bị trúng độc rồi qua đời.

______________________

Có một hoàng đế Trung Hoa khác cũng hoang dâm vô độ, lạm dụng thuốc kích dục. Điều gì xảy đến với ông ta? Mời độc giả đón đọc bài kỳ sau xuất bản 10h ngày 6.2 trên mục Thế giới.