Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần qua, khu vực miền Bắc ghi nhận 197 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong.
Như vậy, lũy tích năm 2022, khu vực miền Bắc ghi nhận 4.522 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.379), số ca mắc tăng 228%.
Dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận 139 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng nhẹ so với tuần trước đó (108 ca).
(Ảnh minh họa).
Theo thống kê đến ngày 30/6, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đều đã ghi nhận ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhất tại Hà Nội là: Chương Mỹ (133 ca), Đông Anh (104 ca), Mê Linh (91 ca).
Trong tuần qua, thành phố cũng có thêm 139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra, do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng có thể kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, trẻ sốt cao và nôn nhiều có nguy cơ biến chứng.
Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Cha mẹ đang nuôi con nhỏ tuyệt đối không được chủ quan, khi phát hiện bệnh thì cần chủ động đưa con đi khám.