Dân Việt

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo các bệnh trẻ hay mắc do thời tiết “ẩm ương”

Diệu Thu 08/03/2022 07:55 GMT+7
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình.

Mùa Đông - Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao là điều kiện cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh.

Do đó các bậc cha mẹ cần có những biện pháp thích hợp để phòng tránh cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.

img

Trẻ mắc thủy đậu. (Ảnh minh họa).

Cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm (thời gian ủ bệnh), người bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như: Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, đau tai, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chả,…nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như: Sốt cao > 39°C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; Chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay dần.

Thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân.

Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Quai bị

Bệnh quai bị do vi rút gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Trước khi phát bệnh 1-2 ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó ở trong người. Trẻ khởi phát bệnh bằng triệu chứng sốt từ 38-39 độ C, kéo dài trong 3-4 ngày, mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, cảm giác ớn lạnh, sợ gió. Sau sốt 24 – 28 giờ, xuất hiện triệu chứng viêm tuyến mang tai, trẻ thường sưng cả hai bên, ít khi sưng một bên. Trẻ đau hàm khi há miệng, khi nhai, nuốt, cảm giác đau lan ra tai, họng viêm đỏ, sưng hạch góc hàm.

Bệnh thường lành tính, tự khỏi trong 1-2 tuần nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng trên cơ quan sinh dục.

Một số lưu ý để phòng bệnh cho trẻ

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình như:

– Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

– Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.

– Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Trường hợp đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ.

– Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ.

– Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.