Máy bay Mỹ ném thử nghiệm bom hạt nhân B-61 (ảnh: Sputnik)
Hôm 7.4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ coi việc Mỹ chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ba Lan là “hành động khiêu khích nghiêm trọng” và có thể đáp trả tương xứng.
“Đối với chúng tôi, đó là mối đe dọa lớn”, ông Peskov nói với hãng tin LCI (Pháp) và lưu ý rằng, bất cứ hành động triển khai vũ khí hạt nhân nào ở Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung sẽ phải đối mặt với phản ứng tương xứng từ Moscow.
“Trong tình huống đó, việc Nga đưa các tên lửa hạt nhân tới biên giới phía tây là không thể tránh khỏi”, ông Peskov cảnh báo.
Phát biểu của ông Peskov được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc gia Ba Lan – ông Jaroslaw Kaczynski – nói rằng nước này sẵn sàng để Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.
“Nếu Mỹ đề nghị sử dụng lãnh thổ Ba Lan để triển khai vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẵn sàng mở cửa về việc đó. Khả năng răn đe đối với Nga sẽ tăng lên đáng kể”, ông Kaczynski nói.
Theo RT, ông Kaczynski không phải người đầu tiên có ý tưởng về việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Năm 2020, một đặc phái viên ngoại giao của Mỹ từng đề xuất Mỹ chuyển một số vũ khí hạt nhân từ Đức sang Ba Lan. Mỹ đến nay vẫn bác bỏ khả năng bố trí vũ khí hạt nhân ở gần biên giới Nga.
Theo The Independent, hiện tại, quân đội Mỹ có bố trí khoảng 150 quả bom hạt nhân B-61 tại 5 quốc gia đồng minh châu Âu gồm Bỉ, Đức, Hà Lan, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
RT cho rằng, nếu đưa vũ khí hạt nhân tới Ba Lan, Mỹ sẽ làm trái cam kết năm 1996 của NATO rằng nhóm này không triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các thành viên mới. Ba Lan gia nhập NATO năm 1999.