Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021. Theo đó trong năm qua, VNPT ghi nhận doanh thu đạt 51.272 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 50.000 tỷ đồng của năm 2020.
Do giá vốn bán hàng tăng, doanh thu hoạt động tài chính giảm và lỗ trong công ty liên kết tăng khiến VNPT ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đáng kể so với năm 2020. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNPT năm 2021 chỉ đạt 5.676 tỷ đồng giảm đáng kể so với hơn 6.377 tỷ đồng của năm 2020.
Phần chi phí khác của VNPT ghi nhận mức tăng hơn 8 lần từ 60,5 tỷ đồng lên hơn 490 tỷ đồng, trong khi thu nhập khác của VNPT ghi nhận mức tăng từ 720 tỷ đồng lên 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận khác cũng ghi nhận mức tăng hơn 30 tỷ đồng.
Kết quả, VNPT báo lãi sau thuế đi lùi, đạt 5.055 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn VNPT
Đáng chú ý, tổng giá trị các khoản tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn của VNPT tại thời điểm cuối năm 2021 lên đến hơn 50.200 tỷ đồng - tăng mạnh so với con số gần 44.000 tỷ đồng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, dù sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn khổng lồ nhưng trong năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của VNPT lại giảm mạnh từ hơn 2.687 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.157 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 500 tỷ đồng so với năm 2020.
Thống kê cho thấy, khối tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn VNPT nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2021 lớn hơn các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2022 như Hòa Phát (46.300 tỷ đồng), PV Gas (33.700 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV (31.300 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (26.400 tỷ đồng), Lọc hoá dầu Bình Sơn (21.500 tỷ đồng)...
Tính đến cuối năm 2021, VNPT có tổng tài sản hơn 100 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với hơn 99 nghìn tỷ đồng cuối năm 2020. Nợ phải trả của VNPT giảm từ hơn 30 nghìn tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 29,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 26,9 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021 cũng cho biết thu nhập của Chủ tịch, Tổng giám đốc và các thành viên Hội đồng thành viên của VNPT ghi nhận tăng mạnh.
Cụ thể ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên từ ngày 7/12/2021 có thu nhập hơn 1,6 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 1,2 tỷ đồng của năm trước. Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Tổng giám đốc miễn nhiệm từ ngày 7/12/2021 có thu nhập 1,052 tỷ đồng, giảm gần 300 triệu đồng so với năm trước.
Ông Hồ Đức Thắng, thành viên Hội đồng quản trị có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng; ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc/thành viên Hội đồng thành viên từ ngày 12/7/2021 có thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 1,2 tỷ đồng.
Thu nhập của các phó Tổng giám đốc của VNPT cũng tăng mạnh từ 500 triệu đồng/năm lên hơn 1,6 tỷ đồng mỗi người trong năm 2021.
Tổng thu nhập của các thành viên Hội đồng thành viên và ban Tổng giám đốc của VNPT năm 2021 ghi nhận 12,5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số chỉ hơn 6,9 tỷ đồng của năm trước.
Kế hoạch năm 2022, lãnh đạo VNPT cho biết tập đoàn sẽ phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 6% trở lên so với năm 2021, lợi nhuận công ty mẹ tăng 6%, tổng doanh thu tăng 4% so với năm 2021, trong đó, tăng trưởng doanh thu công ty mẹ là 3% (theo kế hoạch được Ủy ban quản lý vốn nhà nước giao).
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký ban hành Quyết định điều động ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT.