Dân Việt

Bỏ túi thêm hơn 5.000 tỷ đồng, gia đình tỷ phú Trần Đình Long sở hữu khối tài sản thế nào?

Hoàng Nam 09/02/2022 04:55 GMT+7
Chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần 2022, khối tài sản gia đình tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận mức tăng mạnh thêm hơn 5.000 tỷ đồng. Vị doanh nhân 61 tuổi người Hải Dương cũng trở lại vị trí người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nối tiếp đà tăng sau phiên giao dịch khai xuân, ở phiên giao dịch ngày 8/2 nhóm cổ phiếu ngành thép tiếp tục gây chú ý khi đồng loạt các mã quan trọng như HSG, NKG, POM, TLH, SMC đều kết phiên trong sắc tím. Riêng mã vốn hóa lớn nhất HPG cũng tăng 5,8% để trở thành cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên chỉ số.

Sau hai phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận mức tăng 7,82% so với mức giá đóng cửa trước thềm nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cùng với đà phục hồi của cổ phiếu HPG, khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận đà phục hồi mạnh. Theo đó, với việc sở hữu hơn 1,166 tỷ cổ phiếu HPG, khối tài sản của doanh nhân 61 tuổi người Hải Dương đã ghi nhận mức tăng hơn 3.907 tỷ đồng chỉ sau hai phiên giao dịch gần nhất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, tỷ phú Trần Đình Long sở hữu khối tài sản theo giá thị trường lên tới hơn 53.129 tỷ đồng và củng cố vững chắc vị trí số 2 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC).

img

Khối tài sản của riêng tỷ phú Trần Đình Long tăng hơn 3.900 tỷ đồng chỉ sau hai phiên giao dịch gần nhất

Cùng với đó, khối tài sản của bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Long cũng ghi nhận mức tăng gần 1.100 tỷ đồng, lên hơn 14.946 tỷ đồng. Trong khi tài sản của ông Trần Vũ Minh, con trai ông Long cũng ghi nhận mức tăng hơn 233 tỷ đồng lên thành hơn 3.179 tỷ đồng.

Tính theo giá thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, gia đình tỷ phú Trần Đình Long đang sở hữu khối tài sản hơn 71.255 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng mạnh trở lại lên hơn 203.741 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận đà tăng mạnh sau thông tin ngay những ngày đầu tháng 2/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn.

Trước đó, trong năm 2021, Thép Hòa Phát Dung Quất đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn thép HRC, trong đó lượng xuất khẩu chỉ chiếm chưa đầy 30.000 tấn. Đại diện của Hòa Phát cho biết nhiều khách hàng nước ngoài đang muốn đặt mua HRC nhưng doanh nghiệp chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.

Sau hai phiên tăng điểm liên tiếp, nhận định về thị trường trong phiên giao dịch ngày 9/2, các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định chỉ số đang chịu áp lực rung lắc điều chỉnh nhẹ do diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Mặc dù vậy, KBSV cho rằng với dư địa tăng tại nhóm bluechips đầu ngành, VN-Index vẫn đang có cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục trước khi chịu áp lực điều chỉnh rõ nét hơn tại vùng kháng cự 1.51x. 

Cùng quan điểm, các chuyên gia của CTCK MB (MBS) khuyến nghị dòng tiền đã quay trở lại đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, bên cạnh đó sự trở lại mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu thép cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường duy trì mạch tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/6 phiên vừa qua. Triển vọng để thị trường quay lại mức đỉnh cũ ngày càng cao khi dòng tiền đã quay trở lại và độ rộng thị trường lan tỏa từ nhóm bluechips sang các nhóm vừa và nhỏ.

Các chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng trong phiên giao dịch ngày 09/02, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Cùng quan điểm, các chuyên gia của CTCK ASEAN (ASEANSC) đưa ra dự báo sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.495 – 1.500 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.505 – 1.510 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.