Dân Việt

Xung đột Nga - Ukraine: 3 kịch bản có thể xảy ra

Vương Nam – NDTV 09/03/2022 05:55 GMT+7
Gần 2 tuần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, quân đội Ukraine cho thấy khả năng kháng cự mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán trước đó của giới chuyên gia. Trong khi Nga đổi chiến thuật sang bao vây nhiều thành phố lớn, Ukraine cũng không ngừng nhận được viện trợ quân sự của nước ngoài. Diễn biến tiếp theo cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng khó lường.

img

Tổng thống Nga Putin cho rằng, Ukraine nên “ngừng chiến đấu” (ảnh: AP)

1. Kịch bản Nga ngừng chiến dịch quân sự

Theo nhiều chuyên gia, lực lượng phòng không của Ukraine ở Kiev và một số thành phố khác vẫn hoạt động tương đối hiệu quả trước sức ép từ không quân Nga. Bộ binh Nga tạm thời chưa thể kiểm soát Kiev nếu không quân chưa giành thế áp đảo trên bầu trời.

Từ hôm 5.3, Nga liên tục mở hành lang nhân đạo ở một số thành phố lớn của Ukraine. Điều này cho thấy quân đội Nga muốn giảm tối đa thương vong dân sự và cũng có thể sắp mở cuộc tiến công quy mô lớn. Tuy nhiên, một số chuyên gia đang nghi ngờ về năng lực hậu cần của Nga khi tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn, dài ngày ở Ukraine.

Quân đội Ukraine cho biết, họ nhận được hàng nghìn đơn nhập ngũ tình nguyện mỗi ngày và những lô vũ khí từ phương Tây vẫn chảy đều tới Kiev. Nếu Ukraine cầm cự được lâu hơn, họ có thể khiến Nga ngồi vào đàm phán một lần nữa và kết thúc chiến dịch quân sự.

Về phía Moscow, trong phát biểu hôm 6.3, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga chỉ có thẻ kết thúc chiến dịch quân sự nếu Ukraine “ngừng chiến đấu và những yêu cầu an ninh của Nga được đáp ứng”. 

Sức ép từ các đòn trừng phạt của phương Tây cũng là điều có thể khiến chính quyền của ông Putin phải cân nhắc.

img

Quân đội Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine (ảnh: TASS)

2. Kịch bản chiến dịch quân sự của Nga thành công

Một số chuyên gia cho rằng, sau khi hoàn thành sơ tán người dân ở Kiev và một số thành phố khác, Nga sẽ mở các đợt tiến công lớn ở Ukraine. Với ưu thế về lực lượng và vũ khí hiện đại, Nga có thể làm được điều này.

Hôm 1.3, hình ảnh vệ tinh cho thấy một đoàn xe quân sự dài hơn 60 km của Nga tiến về hướng Kiev. Lực lượng khổng lồ này đang hoạt động ra sao vẫn còn là điều chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, họ đã “sẵn sàng”.

“Điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 3.3.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc Nga có thể giành quyền kiểm soát Kiev và giải tán chính phủ của Tổng thống Ukraine Zelensky. Đây là một trong những bước cần làm để hoàn thành mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” ở Ukraine mà Nga nêu ra.

Tuy nhiên, kiểm soát một đất nước rộng lớn với hơn 40 triệu dân Ukraine trong thời gian dài không hề là điều dễ dàng.

“Tiến vào một thành phố rất khác với việc kiểm soát nó lâu dài”, Lawrence Freedman – giáo sư tại Đại học Hoàng gia London – nhận xét.

img

Dân Ukraine tự chế vũ khí để đối phó quân đội Nga (ảnh: CNN)

3. Kịch xấu nhất: Xung đột lan rộng

Ukraine có đường biên giới giáp 4 nước NATO, bao gồm: Ba Lan, Romania, Slovakia, Hungary. Theo điều 5 của NATO, một cuộc tấn công nhằm vào một đồng minh của khối sẽ bị coi là tấn công đối với toàn khối. Nga và Mỹ – quốc gia dẫn dắt NATO – sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cả Nga và NATO đều ý thức được hậu quả nghiêm trọng nếu xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến, những biến số bất ngờ là điều có thể xảy ra.

“Tai nạn, sự cố, tính toán sai lầm trong xung đột ở Ukraine có thể dẫn tới một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO”, chuyên gia Samuel Charap lo ngại và cảnh báo tên lửa từ Ukraine có thể “đi lạc” sang nước láng giềng.

Hôm 26.2, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bày tỏ lo ngại khi cho rằng, Nga có thể tấn công nước này, Phần Lan hoặc các quốc gia vùng Baltic khác sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Từ ngày 24.2, NATO đã điều hàng nghìn binh sĩ tới đồn trú ở Ba Lan và một số nước giáp Ukraine để đảm bảo an ninh. Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg – hồi tuần trước nhấn mạnh, NATO sẽ bảo vệ “từng tấc đất”.

Trong khi NATO liên tục “bơm” viện trợ quân sự cho Ukraine – một nước ngoài khối – một cuộc đối đầu trực tiếp giữa liên minh quân sự lớn nhất thế giới với Nga là điều khiến nhiều người lo lắng.