Mô hình du lịch sáng tạo
Theo thống kê của Tổng cục du lịch Singapore, năm 2018, quốc đảo sư tử đón hơn 18,5 triệu lượt khách, gần gấp 4 lần dân số nước này. Không sở hữu thiên nhiên giàu có, di tích lịch sử rất ít, nhưng Singapore đã xây dựng được một nền công nghiệp du lịch sáng tạo và sôi động, trở thành một trong 10 điểm đến được check-in nhiều nhất thế giới trên mạng xã hội Twitter năm 2018.
Biến điểm yếu thành thế mạnh, việc sở hữu diện tích nhỏ bé lại giúp Singapore đưa cả đất nước trở thành một “khu nghỉ dưỡng khổng lồ”, với mọi tiện nghi lưu trú, giải trí, mua sắm… ở chất lượng tốt nhất, giao thông kết nối thuận tiện, thời gian di chuyển ngắn.
Ngay trong trung tâm “khu nghỉ dưỡng”, giữa những cao ốc văn phòng, trụ sở các tập đoàn tài chính, du khách vẫn có thể ghé thăm các công trình đã trở thành biểu tượng du lịch của Singapore như Garden by the Bay, Marina Bay Sands… Thậm chí, để tận dụng diện tích quý báu, Singapore còn mở cửa vườn thú Safari, vườn ánh sáng về đêm, các công trình ngầm dưới biển để mang tới trải nghiệm mới mẻ, cũng như tối ưu mục tiêu rút hầu bao du khách.
Màn trình diễn ánh sáng tại công trình sáng tạo Garden by the Bay.
Sự sáng tạo của Singapore còn thể hiện trong hướng tiếp cận các hạ tầng du lịch tiêu biểu. Đơn cử như sân bay. Nếu như nhiều quốc gia vẫn đầu tư sân bay theo hướng một công trình giao thông thuần tuý, thì với Singapore, sân bay được chú trọng đầu tư để trở thành một trong những điểm tham quan độc đáo với việc ra mắt khu phức hợp Jewel nằm ngay trong sân bay Changi mới đây.
Mang hình dáng một viên ngọc khổng lồ, Jewel sở hữu một thác nước đổ thẳng xuống trung tâm từ độ cao 40m, bao quanh là khu vườn nhiệt đới hàng nghìn cây xanh, nối trực tiếp các khu mua sắm, ẩm thực, giải trí, khách sạn, khu làm thủ tục hàng không… Kết hợp với hàng trăm gian hàng miễn thuế đầy mời gọi, có thể nói Singapore đã “móc túi” thành công du khách ngay từ bước chân đầu tiên khi đến với đảo quốc này.
Theo thống kê của Công ty công nghệ và thanh toán toàn cầu Mastercard, năm 2018, Singapore xếp thứ 5 trong số các điểm đến du khách tiêu tiền cho mua sắm nhiều nhất thế giới.
Khu phức hợp Jewel với kiến trúc độc đáo, là điểm dừng chân “ngốn tiền” của du khách tại sân bay Changi.
Rút ví du khách: “nghệ thuật không chỉ cần năng khiếu”
Sở hữu nguồn tài nhiên thiên nhiên dồi dào với đường bờ biển dài 3.260 km, các điểm đến tự nhiên phong phú, văn hoá giàu bản sắc, Việt Nam liên tục lọt vào Top các điểm đến của New York Times, Lonely Planet… khiến lượng du khách quốc tế tới Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục trong những năm qua.
Tuy nhiên, so với lượt khách, doanh thu từ du lịch lại chưa đạt được kỳ vọng. Cụ thể, theo thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu chỉ đạt 96 USD/ngày, thấp hơn 3 lần so với Singapore với mức 330 USD/ngày.
Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do sự thiếu vắng của các hạ tầng du lịch cao cấp, cũng như thiếu tính sáng tạo trong việc triển khai các sản phẩm du lịch liên quan tới hoạt động giải trí, mua sắm...
Điểm lại một số địa phương được xem là “điểm sáng” về hạ tầng trong thời gian gần đây, có thể thấy sự liên quan mật thiết giữa tăng trưởng về hạ tầng du lịch và tăng trưởng về doanh thu du lịch.
Như tại Quảng Ninh, địa phương đang bứt phá thần tốc với hàng loạt công trình giao thông nghìn tỷ đồng bộ và sự xuất hiện của những dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp như FLC Hạ Long, Sun World Halong Park… Tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng kỷ lục 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Hay tại Quy Nhơn, Bình Định, đây cũng là một ví dụ cho thấy hiệu quả của việc đầu tư vào hạ tầng du lịch của những thị trường trẻ. Sự xuất hiện của dự án FLC Quy Nhơn do Tập đoàn FLC đầu tư tại vùng biển Nhơn Lý đã mang đến cho Bình Định một quần thể du lịch 5 sao đầu tiên với hàng loạt dịch vụ kích thích chi tiêu như sân golf, nhà hàng, quán bar, safari, và đô thị phức hợp giải trí mua sắm tại thành phố không ngủ FLC Lux City Quy Nhon đang trên đà xây dựng. Những điều này đã góp phần đưa doanh thu du lịch tại Bình Định tăng mạnh tới 3.300 tỷ đồng năm 2018, gấp 3-4 lần so với các địa phương có số lượt khách du lịch tương tự như Đồng Tháp.
Sự xuất hiện của FLC Quy Nhơn thổi làn gió mới vào hạ tầng du lịch, giải trí tại Bình Định.
Mới đây, thương hiệu FLC chính thức đánh dấu sự có mặt tại Quảng Ngãi, nơi được mệnh danh là “viên ngọc thô” của du lịch miền Trung, với sự kiện khởi công Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi quy mô hơn 1.000 ha, cách đảo Lý Sơn hơn 10 km.
Từ lâu, Quảng Ngãi đã là điểm đến của rất nhiều chuyên gia, du khách nước ngoài bởi sở hữu nhiều hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ. Tuy nhiên, do chưa có được sự đầu tư bài bản về các hạng mục vui chơi, giải trí, nên dù có hệ sinh thái cảnh quan đẹp, du lịch Quảng Ngãi chưa khai thác được hiệu quả nguồn thu từ đối tượng này. Việc xây dựng một quần thể du lịch với hàng loạt tiện ích về lưu trú và dịch vụ giải trí như FLC Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tận dụng tốt nguồn du khách sẵn có, đưa xứ biển đảo này trở thành thiên đường nghỉ dưỡng mới, từ đó “đánh thức” những tiềm năng tưởng đã ngủ quên.
Nhu cầu của du khách ngày càng cao và đa dạng. Đi du lịch hiện nay không chỉ nhìn, xem, nghe, đến ăn rồi về ngủ. Muốn giữ chân du khách, khiến họ tiêu tiền thì cần gia tăng trải nghiệm về các dịch vụ vui chơi giải trí và cần đầu tư xây dựng mới các công trình sáng tạo, có sức hút. Đây là xu thế của ngành công nghiệp du lịch thế giới nói chung và là định hướng phát triển cho du lịch Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.