PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn GS -TS Ngô Đức Thịnh (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Thưa Giáo sư, cuộc sống hiện đại có rất nhiều tệ nạn mà một trong những tệ nạn mới nảy sinh gần đây chính là từ môi trường lễ hội. Tại sao một loại hình sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của dân tộc lại trở nên như vậy là một câu hỏi rất cần được lý giải cặn kẽ?
- Người VN hiện nay thực hiện những hành vi tín ngưỡng liên quan đến lễ hội trên một tình thế là thiếu hụt tri thức về nó. Tất cả hành vi đều dựa trên quan niệm xã hội, trong xã hội truyền thống từ lâu đã hình thành nên điều này, khi làm một việc gì người ta đã biết vì sao lại làm nó, còn bây giờ thì ngược lại.
Có lẽ là do một thời gian dài, những năm tháng chiến tranh, người ta quy những hành vi đó là mê tín dị đoan, cần phải xóa bỏ, đập phá hết những thiết chế đó. Tôi tính quãng thời gian đó khoảng 4 thập niên đã để lại hậu quả là người Việt thực hành những thứ rất quái lạ về phương diện nhận thức.
Tôi tạm gọi tất cả những tri thức về lĩnh vực này là một sự thiếu hụt, đã bị chuội khỏi tay người dân, nó không được kế thừa từ thế hệ này trao truyền cho thế hệ khác. Những người cha không dạy cho con cái mình những tri thức, những hành vi ứng xử ấy, người ta bài trừ mà. Sự trao truyền tri thức ấy bị đứt đoạn, đã có lúc người ta tưởng rồi tôn giáo sẽ bị mất đi. Nhưng sau này, nó không hề mất đi mà lại còn bùng mạnh.
Lễ hội thì nước nào cũng có, thế nhưng có lẽ ở VN, người ta thấy những mặt trái của lễ hội như tiêu cực, biến tướng thể hiện rõ như vậy, Giáo sư có thể phân tích một vài nguyên nhân?
- Nói một cách tổng quát, chúng ta khác với những dân tộc khác, người Thái Lan, Nhật Bản không phải chịu một vết thương như tôi đã nhắc ở trên. Khi sang Nhật, tôi có một sự so sánh rất rõ. Người Nhật họ cũng có niềm tin, họ tiến hành các nghi lễ rất khác với chúng ta, tôi cắt nghĩa là họ đang làm một việc mà người ta có được nhờ sự tích lũy, nhờ sự kế thừa tri thức, còn chúng ta, làm theo bản năng.
Các tri thức mà các cụ ta tích lũy rất cụ thể, chi tiết đã không được kế thừa. Một khi đã hành xử không dựa trên sự hiểu biết, người ta rất dễ mắc bệnh bầy đàn, thấy người khác làm gì thì mình cũng làm như thế. Chỉ cần một người đầu tiên bẻ hoa, người khác sẽ làm theo, không ai cưỡng lại được, cái đó trong sinh học gọi là tập tính bầy đàn. Một khi xã hội đã hành động theo tập tính bầy đàn thì luật pháp họ cũng bất kể.
Người Việt ngày nay đến chùa, đến đền là thủ một nắm tiền lẻ để rắc khắp nơi, đốt mã, cầu xin khấn vái, hình như họ đang hiểu sai về tôn giáo?
- Về tiền công đức thì thế này, hồi xưa, phần lớn chùa, đền xây dựng do công đức của người dân nên có bia công đức ghi nhớ những đóng góp của người dân, hàng năm những người đến lễ thường mang một chút tiền đến đóng góp gọi là tiền giọt dầu để nuôi dưỡng các hoạt động, tiền để vào hòm công đức, hoặc để vào đĩa, đưa cho sư.
Còn bây giờ thì biến dạng kinh khủng, giờ người ta nghĩ cho vào hòm công đức không thiêng bằng nhét vào tay tượng hoặc chất đống lên bàn thờ.
Hôm 20.2, tôi xem trên mạng, thấy có ảnh người ta nhét tiền vào cả mồm tượng La Hán. Thật không thể hiểu nổi thế là thế nào. Chẳng ai dạy cho họ, chúng ta có thể đưa trực tiếp tiền cho thần linh hay sao? Thần linh là người âm, làm sao nhận tiền của người dương được, phải là tiền âm phủ đốt đi.
Đặt tiền lẻ vào tượng ở lễ hội chùa Hương 2013. |
Trong đời sống hiện nay, muốn cải thiện tình trạng đó, chúng ta phải làm sao trong khi về phía Nhà nước, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã thừa nhận xử phạt không phải cái gốc của vấn đề?
- Theo tôi, chúng ta phải phổ cập trở lại cho người dân những hiểu biết, tri thức tín ngưỡng về lễ hội, đi lễ hội phải thế nào, đến đình chùa phải thế nào. Tất nhiên đi lễ hội bây giờ ai cũng muốn cầu mong thôi, không ai cấm nhu cầu đó, ông tổng thống cũng phải cầu đến Chúa, nhưng cầu mong việc gì đó thì cần phải đến đâu, đâu là nơi mình cầu, có phải cứ đến chùa là cầu lên chức không, hay phải đến chỗ khác? Khi đến thì phải như thế nào, hành vi phải thế nào.
Tôi thấy các cụ xưa khi đến với thần linh, người ta phải chuẩn bị cái tâm thế, khi tôi nhỏ, gia đình cúng giỗ tổ tiên thì người con trưởng, ông cả phải chuẩn bị tâm thế, kiêng ăn, chay tịnh, tắm rửa vì sắp được tiếp xúc với thần linh. Trong xã hội hiện đại thì không cần đến mức ấy nhưng cũng phải chuẩn bị tâm thế. Chỉ khi nào con người có tâm thế thì lời cầu khẩn mới đến được với thần linh, bây giờ vừa không có tâm thế, vừa không có tri thức.
Tôi nói phải phổ cập lại vì trước kia đã từng có nhưng nó đã bị chuội khỏi tay người dân. Hồi xưa đến với đình chùa, người ta cứ có cảm giác không bị quản lý gì hết nhưng thực ra đã có, trong hương ước đã quy định hết là phải thế nào, nó có hết. Hiện nay vấn đề quản lý rất bất cập nên hành vi lệch chuẩn không được uốn nắn, nhắc nhở, hệ thống quản lý bất cập, những người quản lý cũng thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, nhiệt tình.
Vậy Giáo sư bình luận thế nào về các sắc lệnh, các nghị định cấm của ngành văn hóa, rõ ràng hiệu quả mà nó mang lại rất hạn chế?
- Có những cái Nhà nước cấm nhưng họ vẫn tiến hành, có lần tôi xuống địa phương, thấy mình có vẻ ngần ngại khi họ vi phạm các nghị định, nhưng họ bảo, cứ yên tâm, chúng tôi đã "làm việc" xong xuôi hết cả rồi. Giờ đây người dân đối phó với chính quyền bằng "mua bán" hết cả, họ làm rất giỏi và chính cái đó làm tê liệt cả hệ thống quản lý.
Cách đây 2- 3 năm, chỉ thị cấm đốt vàng mã phạt từ 1-3 triệu đồng, tôi đến nhiều nơi hỏi có ai kiểm tra không, họ trả lời là chả ai kiểm tra hết, vẫn đốt như bình thường. Có người cung cấp cho tôi thông tin, đốt thì cứ đốt nhưng trước khi tiến hành cứ nộp cho nhà đền 3 triệu đồng, khi đang làm lễ mà có người đến kiểm tra thì nộp, còn không thì nhà đền được hưởng.
Trong xã hội, mỗi khi có một quy định thì lại nảy sinh ra một loại người ăn theo quy định ấy, tìm cách để vô hiệu hóa và cuối cùng là pháp luật bị nhờn. Sắc lệnh chỉ là biện pháp hỗ trợ thôi, nó sẽ biến dạng ngay khi vào xã hội.
GS -TS Ngô Đức Thịnh
Thưa Giáo sư, để giải quyết rốt ráo những tệ nạn trong lễ hội, dù rất khó nhưng chúng ta cũng phải đưa ra một vài giải pháp nào đó?
- Theo tôi, cần phải làm quyết liệt hai việc. Thứ nhất là phải phổ cập lại tri thức tín ngưỡng, cái này hiệu quả nhất là thông qua giáo dục của nhà trường, không phải chúng ta tuyên truyền mê tín dị đoan mà để giúp người dân thực hành tín ngưỡng có tri thức hơn.
Thứ hai, cần phải thay đổi cách quản lý, nên giao trách nhiệm cho chính các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thực hiện. Ví dụ trong đạo Mẫu, chúng tôi đã nghiên cứu, đồ mã không thể thiếu nhưng không nhiều đến mức độ như chúng ta đốt bây giờ.
Nếu muốn hạn chế thì phải do chính các ông đồng bà đồng hạn chế, một ông công an hay cán bộ văn hóa không thể làm tốt việc đó bằng. Phải giao cho cộng đồng đứng ra thực hiện quy định, chúng ta thường giao cho cán bộ, công an nhưng chỉ cần một cái phong bì là xong hết. Chúng ta vẫn quản lý theo kiểu áp đặt từ bên ngoài chứ không phải người làm chủ cơ sở tín ngưỡng tự nguyện thực hiện.
Phải huy động người dân vào cùng, chứ không chỉ giao cho một lực lượng nào vì như thế chính họ sẽ trục lợi. Việc này sẽ rất mất thời gian, nhưng không làm thì không bao giờ đến, có khi phải đánh đổi cả một thế hệ, nếu không thế đừng hy vọng sẽ lập lại trật tự của đời sống tín ngưỡng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Ngọc Anh (thực hiện)