Viên Thiệu tuy rời khỏi trung tâm quyền lực, nhưng đã sớm để lại kế sách hoàn mỹ.
Chẳng lẽ Viên Thiệu vì mấy câu lỡ lời của Đổng Trác mà liền chống lại Trác sao? Hơn nữa, Viên Thiệu đáp lại cũng rất xấc xược, lẽ nào Đổng Trác lại không truy cứu, mà lại để cho ra về? Bùi Tùng Chi cho rằng lời nói của Viên Thiệu “tiến đã chẳng chính đáng, lùi lại trái với đạo khiêm tốn, lại tỏ rõ ý hào sảng để chạm vào răng nhọn của hổ rống, nếu có chí lập công nghiệp (ý nói phò tá nhà Hán) thì lí nào như thế”. Ông cho rằng lời của “Hiến Đế xuân thu” “rất là xằng bậy vậy”.
Mưu kế sâu xa…
Phải nói thêm rằng, ngay cả ghi chép của Trần Thọ so với “Hiến Đế xuân thu” cũng chỉ khác nhau về tiểu tiết, cho nên nếu “Hiến Đế xuân thu” đã “xằng bậy” thì ghi chép của Trần Thọ há lại đúng? Viên Thiệu không thể vì chuyện nhỏ đó mà phản Đổng. Viên Thiệu vốn phải có âm mưu từ trước.
Viên Thiệu bỏ chạy, không phải vì tình thế ép bức, mà có tính toán, chạy nhưng đã sớm bố trí người ở lại bên cạnh Đổng Trác. “Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện” cho biết, bấy giờ có Thị trung Chu Bí, Hiệu úy Ngũ Quỳnh, Nghị lang Hà Ngung đều là danh sĩ. Đổng Trác tin tưởng họ, nhưng họ lại ủng hộ Viên Thiệu.
Ba người nói với Trác rằng Viên Thiệu sợ mà bỏ chạy, chứ không có ý gì khác, nên phong cho Thiệu làm Thái thú Bột Hải để yên lòng Thiệu. Đổng Trác và Viên Thiệu từng có quan hệ tốt, Bột Hải lại là quận xa xôi ở bên bờ biển, Trác bèn phong Thiệu chức đó. Đổng Trác không biết rằng Bột Hải tuy nhỏ, nhưng thuộc về Ký Châu - một châu lớn trong thiên hạ, sức người sức của rất nhiều. Phong Thiệu là Bột Hải Thái thú, Trác đã “mở cửa” cho Thiệu vào Ký Châu.
Mưu kế của Viên Thiệu không dừng lại ở đó. “Tam quốc chí, Đổng Trác truyện” cho biết Chu Bí, Ngũ Quỳnh tiếp tục tiến cử Hàn Phức, Lưu Đại, Khổng Du, Trương Tư, Trương Mạc, xin cho họ ra làm quan ở các châu quận, Đổng Trác đều đồng ý. Kết quả, những người này đều hợp binh để đánh Trác. “Hậu Hán thư” của Tạ Thừa còn cho biết: Ngũ Quỳnh lợi dụng sự tin tưởng của Đổng Trác, giấu bội đao trong người để đâm Trác, nhưng thất bại.
Ngũ Quỳnh tự là Đức Du – chính là Ngũ Đức Du mà “Anh hùng ký” nói đã cùng Viên Thiệu kết giao làm du hiệp. Ngũ Quỳnh đối với Viên Thiệu có thể xem như Chuyên Chư đối với Công tử Quang. Có thể nói, Viên Thiệu khi rời khỏi kinh thành, đã để lại mưu kế hoàn hảo, chẳng những hành tâm lý, hành chính trị, hành kế, mà còn có cả hành thích.
Ngay cả niên hiệu của nhà vua mới cũng có cái để nói. Niên hiệu của Hán Hiến Đế là Sơ Bình, Lê Đông Phương từng nói: Đổng Trác đặt niên hiệu Sơ Bình, chứng tỏ rất dốt, vì ngay trước đó đã có niên hiệu Trung Bình. Trung là ở giữa, sơ là khởi đầu. Lấy Sơ Bình nối Trung Bình, không dốt thì là gì. Có điều, niên hiệu Sơ Bình này với Viên Thiệu lại rất có lợi.
Viên Thiệu tự là Bản Sơ, Sơ Bình hàm ý người an định thiên hạ chính là người tên Sơ, rõ ràng là dự báo sự xuất hiện của “Viên Cao Tổ” Viên Thiệu. Trong “Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện”, Viên Thiệu đã giải thích hai chữ Sơ Bình theo ý đó. Rõ ràng niên hiệu Sơ Bình này không đặt cho Đổng Trác, mà đặt cho Viên Thiệu.
Bột Hải là quận xa xôi bên bờ biển, nhưng là bước đầu trong “Long Trung sách” của Viên Thiệu.
Bây giờ nhìn lại tất cả thì thấy, vào lúc Đổng Trác mới tới, Viên Thiệu hoàn toàn đủ sức diệt Đổng nhưng không làm vì diệt Đổng lúc ấy không có lợi. Viên Thiệu cần Đổng Trác đóng vai gian thần, kích động Sơn Đông khởi nghĩa, để Viên Thiệu có cơ hội tự lập. Cho nên Viên Thiệu tụ hợp liên quân, tiếng là đánh Đổng, kỳ thực là đánh Hán; mục tiêu sâu xa là đánh Hán, mục tiêu trước mắt lại là đánh Hàn Phức.
Lục lục vô cùng
Nhìn bề ngoài của chiến dịch đánh Đổng, ta thấy Viên Thiệu chẳng có hành động gì cả, hoàn toàn vô dụng. Có điều, mục tiêu của Viên Thiệu không phải Đổng Trác, mà là Ký châu mục Hàn Phức. “Tam quốc chí, Vũ Đế kỷ” nói lúc Viên Thiệu và Tào Tháo mới khởi binh, Thiệu hỏi Tháo: Nếu như khởi binh không thành thì có thể dựa vào chỗ nào?
Tào Tháo hỏi ngược lại: Ý túc hạ thì sao? Thiệu đáp ngay: Nam giữ Hoàng Hà, bắc ngăn Yên, Đại, kiêm gồm dân chúng Nhung Địch, ngoảnh về nam để tranh thiên hạ! Chú ý, Thiệu nói “ngoảnh về nam để tranh thiên hạ!” Nói một cách bóng bẩy thì là, từ lúc mới hợp binh đánh Đổng, Viên Thiệu đã tính đến bước đại chiến Quan Độ!
Để thực hiện ý đồ, Viên Thiệu sớm chọn Ký châu làm căn cứ địa, làm Thái thú Bột Hải là để có cớ đặt chân vào Ký châu. Không những thế, Thiệu còn chọn sẵn cho mình đối thủ, đó là Hàn Phức. Hàn Phức ra ngoài làm Ký châu mục là do Chu Bí, Ngũ Quỳnh kiến nghị với Đổng Trác; mà Bí và Quỳnh lại là người của Viên Thiệu!
Con người của Hàn Phức vừa tham vừa nhát, ban đầu sợ Viên Thiệu khởi binh đánh Đổng, mới sai người đi canh chừng; đến khi các địa phương nhiều người ủng hộ Thiệu, Hàn Phức lại nghe lời thuộc hạ cùng tham gia, nhưng không cầm đầu. Hàn Phức tính rằng nếu thắng thì cũng có công, còn bại thì Đổng Trác cũng không tính sổ với mình trước. “Vũ Đế kỷ” cho biết, sau khi tham gia, Hàn Phức đóng quân ở Nghiệp Thành - thủ phủ Ký châu. Hàn Phức đóng ở đấy nghĩa là tham gia mà không phát binh, chỉ cung cấp lương thực.
Hàn Phức tính toán như thế, tưởng là cao minh, chẳng ngờ Viên Thiệu còn gian xảo hơn. Thiệu đem quân đóng ở Hà Nội, cùng với Quan Trung là hai kho người, kho của của Trung Quốc. Mặt khác, Trương Mạc, Lưu Đại, Kiều Mạo, Viên Di đóng quân ở Toan Tảo. Các cánh quân Quan Đông chẳng những không đánh, còn ngày đêm ăn uống, hao phí lương thực, mà lương thực đó là do Hàn Phức chu cấp.
Viên Thiệu sau khi thấy Đổng Trác đã hoàn toàn rút về Trường An, nghe theo kế hoạch của Phùng Kỷ: Một mặt liên minh với Công Tôn Toản ở U châu, để Toản xuống phía nam đánh Hàn Phức. Viên Thiệu cũng theo bến Mạnh Tân mà tiến về phía đông. Hàn Phức bị ép hai đầu, lại tiếp được thuyết khách của Viên Thiệu là bọn Cao Cán, Tuân Kham. Kham nói với Phức:
“Công Tôn Toản dẫn quân Yên-Đại, khí mạnh của hắn khó mà chống nổi. Họ Viên là hào kiệt một thời, tất chẳng chịu đứng dưới tướng quân. Ký châu là nơi của cải đầy nhiều của thiên hạ, nếu hai kẻ kia hợp sức đem quân đánh đến ở dưới thành, lúc ấy chỉ đứng đợi nguy vong vậy. Họ Viên là người quen của tướng quân, lại là đồng minh.
Nay bọn ta muốn bày kế giúp tướng quân, chẳng bằng đem Ký châu nhường cho họ Viên. Họ Viên được Ký châu thì Toản không tranh được với họ Viên nữa, họ Viên tất khen đức của tướng quân. Ký châu vào tay người thân quen, lúc ấy tướng quân có tiếng là nhường người hiền, thân mình cũng yên vững như núi Thái Sơn vậy”. Hàn Phức nghe theo, đem Ký châu trao cho Viên Thiệu. Công Tôn Toản nam tiến tới Bàn Hà, bị Viên Thiệu đánh bại ở Giới Kiều, phải rút về U châu. Viên Thiệu bèn lĩnh chức Ký châu mục.
Nhìn lại thì thấy, từ quá trình tiêu diệt hoạn quan cho đến liên minh đánh Đổng, Viên Thiệu từng bước từng bước xây dựng cục diện để tiến đến tự lập. Cũng giống như Gia Cát Lượng lựa chọn Kinh châu, Viên Thiệu đã chọn Ký châu, hơn nữa, còn vạch ra chiến lược hùng cứ Hà Bắc.
Sau khi vào Ký, Tòng sự của Hàn Phức là Thư Thụ đã đến thuyết phục Viên Thiệu, khuyên: “Xua quân về phía đông thì Thanh châu tất định; lại về đánh giặc Hắc Sơn thì Trương Yến cũng diệt được; rồi dẫn quân lên phía bắc, Công Tôn Toản chắc thua; uy hiếp rợ Nhung-Địch thì người Hung Nô tất theo. Lúc ấy bao trùm miền bắc sông Hoàng Hà, hợp lấy đất của bốn châu, thu nạp bọn anh hùng, phát trăm vạn quân sĩ mà đón nhà vua ở tây kinh, dựng lại tông miếu ở Lạc Dương, hiệu lệnh thiên hạ để đánh kẻ chưa phục; lấy đó mà tranh giành, ai còn chống nổi?”.
Ngay từ khi liên quân Quan Đông thành lập, Viên Thiệu đã đoán trước sự thất bại của nó.
Viên Thiệu đáp lại: Đấy chính là ý ta. Ngài Dịch Trung Thiên cho rằng đó chính là “Long Trung đối – Viên Thiệu bản”, điều đó không đúng. Viên Thiệu từ sớm đã có “Long Trung đối” riêng, điều mà Thư Thụ nói chỉ là… nói lại những gì Viên Thiệu đã nghĩ.
Khi nhìn nhận tác dụng của liên quân Quan Đông, mọi người đều nghĩ liên quân là để đánh Đổng phò Hán. Với tư cách minh chủ của liên quân ấy, Viên Thiệu quả thực vô dụng. Có điều, dường như chúng ta đã nhìn sai góc độ, đem việc phò Hán vô năng ra trách Viên Thiệu, giống như đem việc phò Tần vô năng ra trách Trần Thắng, Hạng Vũ.
Viên Thiệu có chí hướng riêng, có kế hoạch riêng: Chí hướng là tự lập triều đại, kế hoạch là chiếm lấy Hà Bắc. Quá trình xây dựng và lãnh đạo liên quân Quan Đông của Viên Thiệu chính là để phục vụ cho kế hoạch đó. Đứng trên góc độ này mà xem xét, thì liên quân phạt Đổng của Viên Thiệu là nửa vời, hay là tuyệt vời?