Cuộc họp gồm có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng với lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án và nhà đầu tư, ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang trong giai đoạn triển khai.
Đối với những vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ý nghĩa kinh tế, chính trị của tuyến đường này khi ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm gồm 13 tỉnh với hơn 20 triệu dân chỉ có một tuyến duy nhất.
Thủ tướng cho biết, đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì với các bộ liên quan nghiên cứu một tuyến đường sắt tốc độ cao ở khu vực ĐBSCL, chứ không chỉ có một tuyến đường bộ.
Ngoài ra, còn chưa kể hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống logistic cần được phát triển tốt hơn, các cảng biển ở khu vực này được đề cập rõ nét hơn để tạo điều kiện cho ĐBSCL cùng với cả nước phát triển. Người dân rất mong chờ tuyến đường này và thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy dự án và nêu rõ với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.
Về tiến độ, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì chất lượng là vấn đề đặt ra hàng đầu.
Thủ tướng lưu ý, không phải vì thúc đẩy tiến độ mà làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn, do thất thoát, do không giám sát, do thi công cẩu thả, do thiết kế không có tính toán.
Tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, cơ quan liên quan họp để thống nhất giải quyết dứt điểm trên cơ sở pháp lý về những thủ tục có liên quan đến thẩm định thiết kế, thiết kế cơ sở, đơn giá vật liệu. Đồng thời, xử lý nhanh những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, mà trước hết là phê duyệt tổng mức đầu tư.
Đối với tiến độ giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đánh giá cao Tiền Giang đã tích cực triển khai và hiện đã giải phóng được 99,4%, chỉ còn mấy chục hộ, đồng thời đề nghị tỉnh tập trung hoàn thành nốt công tác này trên cơ sở giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân để có mặt bằng sạch, thi công liên tục.
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với dự án, Thủ tướng gửi gắm với “9 từ” là bảo đảm “tiến độ”, “chất lượng”, hiệu quả”, không “tham nhũng”, “tiêu cực”, “công khai”, “minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tập trung phương tiện, thiết bị thi công với tiến độ hợp lý, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn, kịp thời.
Cùng với đó, yêu cầu phải phối hợp tốt hơn nữa, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý liên tục để bảo đảm công việc thông suốt. Hằng tháng, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng tiến độ cũng như các công việc có liên quan tới dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng. Ngày 22/3/2019, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, nhà đầu tư đã bỏ ra 2.500 tỉ đồng để thi công một số hạng mục, chi cho giải phóng mặt bằng. Dự án đã được Nhà nước ghi vốn cho dự án 2.186 tỉ đồng và cam kết giải ngân vốn 500 tỉ trong năm 2019, đại diện VietinBank ký cam kết giải ngân nguồn vốn vay nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa mấy khả quan. |