Tại hội nghị bàn về các giải pháp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng tại TP HCM, Sở Tư pháp đề xuất các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng trong đó có đề xuất không cho xuất cảnh đối với cá nhân đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự các vi phạm về trật tự xây dựng.
Căn nhà trên đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1) được cấp giấy phép xây dựng về chiều cao không đúng quy định. Ảnh: VNE
Trao đổi với Dân Việt về đề xuất này, luật sư Hoàng Trọng Giáp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi là đề xuất này thiếu tính khả thi, không hợp lý vì đó là vi phạm hành chính bình thường.
Nếu việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến người ta bị xuất cảnh vậy có nhiều vi phạm hành chính khác còn nghiêm trọng hơn các cơ quan khác cũng sẽ có đề xuất tương tự. Như vậy, vì vi phạm hành chính mà quyền tự do đi lại của người ta bị cấm cản, bị tước bỏ là vi hiến”.
Cũng theo luật sư, trong trường hợp vi phạm hành chính, người vi phạm có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp phạt, khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại hay bị tịch thu.... Nếu như người vi phạm không nộp phạt, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cưỡng chế, không phải vì không bắt người vi phạm nộp phạt được nên cấm họ xuất cảnh. Đề xuất này không đồng bộ và không có khả thi.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Đoàn luật sư TP Hà Nội
Thực tế, không có nhiều người đi xuất cảnh, trường hợp xuất cảnh là những người xuất khẩu lao động, doanh nhân, hoặc người có điều kiện kinh tế khá giả để đi du lịch. Đối với những người xuất khẩu lao động thường là người có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, để được đi xuất khẩu họ phải bỏ ra rất nhiều tiền và việc cấm xuất cảnh này sẽ có thể khiến họ trở nên nợ nần chồng chất. Đối với đối tượng vi phạm là doanh nhân và những người có điều kiện đi du lịch thì rõ ràng họ có kinh tế, vậy tại sao không thể khiến cho họ nộp phạt hành chính mà phải dùng biện pháp cấm xuất cảnh?
Bên cạnh đó, việc vi phạm hành chính về xây dựng có thể xác định được ai đứng tên, ai xây dựng, ai vi phạm không? Ví dụ, trong một gia đình gồm có 5 người, vậy việc cấm xuất cảnh cả 5 người luôn hay sao?
Theo quy định của pháp luật, những vi phạm hành chính có rất nhiều các hình thức xử phạt như: Phạt cảnh cáo, phạt tiền, yêu cầu người vi phạm khắc phục tự nguyện, cưỡng chế… Vậy tại sao lại không thực hiện những biện pháp này mà đợi đến lúc người ta đứng ở cửa khẩu rồi mới cấm xuất cảnh?” – luật sư nêu vấn đề.