Cách đây 55 năm, trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt” và sụp đổ của chế độ Việt Nam cộng hòa, nhằm tạo cớ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã dựng lên màn kịch "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" với những lập luận mập mờ và dối trá rằng: Đêm 4 tháng 8 năm 1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công tàu khu trục của Mỹ trên vùng biển quốc tế.
Màn kịch đó đã có hiệu quả “tức thì”, Hải quân Mỹ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, tạo ra một “chứng cớ thuyết phục”, giới diều hâu Mỹ xoa dịu được dư luận phản đối, trước hết là nhân dân Mỹ, tiếp đó đã đánh lừa được Quốc hội Mỹ để Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân.
Đường di chuyển của khu trục hạm USS Maddox (Ma-đốc)trong cuộc hành quân "ngụy tạo hiện trường giả". Dựa trên tấm bản đồ này, có thể thấy rõ ràng rằng Hải quân Mỹ đã trắng trợn đi vào vùng biển Việt Nam. (Nguồn ảnh: Wiki).
Chiến thắng đầu tiên của Hải quân Việt Nam
Ngày 2/8/1964, sau nhiều lần xâm phạm lãnh hải miền Bắc, tàu khu trục Maddox (Ma-đốc) của Mỹ vào sát bờ biển Thanh Hóa (cách bờ biển khoảng 6 hải lý) tổ chức bắn phá, nhằm khiêu khích, nhử mồi, tạo cớ.
Trước hành động xâm phạm chủ quyền của Hải quân Mỹ, Phân đội 3 tàu phóng lôi của của Tiểu đoàn 135 Hải quân Việt Nam đã được lệnh đánh đuổi tàu Ma-đốc của địch tại khu vực phía đông Hòn Mê trong lãnh hải Việt Nam.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, phân đội trực tiếp tham gia chiến đấu của Hải quân Việt Nam đã dũng cảm, mưu trí tiếp cận bắn bị thương tàu Ma-đốc, bắn rơi 1 máy bay và bắn bị thương một chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi lãnh hải miền Bắc Việt Nam. Điều này được dư luận nhiều nước, có cả dư luận Mỹ thừa nhận và kịch liệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn đó của Hải quân Mỹ.
Tàu khu trục Maddox - số hiệu 731 thuộc Biên đội xung kích 77 Hạm đội 7 Mỹ.
Tuy nhiên, để tạo ra một tác động tâm lý mạnh mẽ cho Quốc hội và công chúng Mỹ đồng thời gây ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế”, “một sự thách thức đối với danh dự của nước Mỹ”. Đặc biệt, những người Mỹ chủ trương tiến đánh Bắc Việt Nam hiểu rằng, nếu chỉ vin vào cái cớ mà sự dối trá đã bị phơi bày để đánh phá miền Bắc Việt Nam thì “chưa đủ sức thuyết phục” dư luận. Vì vậy, Mỹ phải dựng thêm sự kiện khác rằng: “Đêm 4/8/1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam một lần nữa lại vô cớ tấn công khu trục Ma-đốc và Tơ-nơ gioi của Mỹ đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế”.
Đây là sự bịa đặt còn trắng trợn hơn nữa, bởi hôm đó thời tiết rất xấu, ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ đang có giông bão, hoàn toàn không có một tàu phóng lôi hoặc tàu chiến đấu nào của Việt Nam - lúc đó là những chiến hạm nhỏ bé, hoạt động trong khu vực mà Mỹ rêu rao.
Dù vậy, bất chấp dư luận và lẽ phải, lãnh đạo nước Mỹ vẫn vin vào cớ đó để ngày 5/8/1964 ra lệnh tiến hành Chiến dịch "Mũi tên xuyên", bất ngờ cho 64 lần chiếc máy bay đánh “trả đũa” ồ ạt vào 4 khu vực mục tiêu ven biển miền Bắc Việt Nam là Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh-Bến Thủy ( Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh) mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.
Một tàu phóng lôi của ta di chuyển cạnh chiến hạm Maddox (Ma-đốc) ngay phía sau tàu phóng lôi là một vệt nước, có vẻ như là một viên đạn hải pháo bắn trượt từ USS Maddox (Ma-đốc).
Song, nhờ chuẩn bị từ trước và với tinh thần cảnh giác cao, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc đã giáng trả địch những đòn thích đáng. Trong trận đọ sức đầu tiên với không quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 8 máy bay phản lực, bắn bị thương 3 chiếc khác, bắt sống một phi công; tỉ lệ thiệt hại của địch lên tới 12%.
Có thể nói, chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam ngày 2 và 5/8/1964 có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu trang sử hào hùng của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Đây là chiến thắng đầu tiên quan trọng, tạo niềm tin và mở ra khả năng to lớn để quân, dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đây cũng là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần toàn dân tộc. Thắng lợi này là kết tinh của phẩm chất, trí tuệ và sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược với nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tác chiến phòng không; là ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng quân xâm lược; là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, được kế thừa và phát triển trong thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh.
Bài học "tạo cớ gây chiến" còn nguyên giá trị
Như vậy, sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964. Chỉ 2 ngày sau, ngày 7/8/1964, Quốc hội Mỹ họp chính thức thông qua nghị quyết sai trái gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”, cho phép Tổng thống tiến hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để giúp bất kì quốc gia thành viên nào, hoặc nước bảo trợ của Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ nền tự do của mình.
Tàu Maddox của Mỹ nổ súng tấn công vào nước ta ngày 5/8/1964.
Tháng 3/1965, không quân Mỹ bắt đầu ném bom một cách hệ thống xuống miền Bắc Việt Nam, tiếp sau là đổ bộ các đơn vị quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã huy động hơn 2,7 triệu binh lính, khi kết thúc chiến tranh, nước Mỹ đã tổn thất khoảng 58.000 sinh mạng, và tiêu tốn 111 tỷ USD (thời giá khi đó). Con số thương vong của phía Việt Nam vào khoảng gần 3 triệu người.
Tuy nhiên, đến năm 1966, sự thật về “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” bắt đầu hé lộ, nhiều nghị sĩ Mỹ thấy bị lừa dối, bắt đầu đấu tranh để hạn chế và chống lại chính sách chiến tranh của chính quyền.
Ngày 24/6/1970, Quốc hội Mỹ nhận ra sự thật của vấn đề và ngày 12/1/1971, do sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Mỹ, dư luận quốc tế và cả Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ních-xơn đã phải kí văn bản chính thức bãi bỏ “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, dù không có “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đêm 4/8/1964, chính quyền Giôn-xơn cũng sẽ tìm ra nguyên cớ khác để leo thang chiến tranh Việt Nam.
Trong ngày 5/8/1964, Mỹ đã tiến hành chiến dịch Mũi Tên Xuyên nhằm ném bom một số cửa biển quan trọng của Việt Nam nhằm mục đích "trả đũa" cho sự kiện vịnh Bắc Bộ. Đây cũng chính là chiến dịch mở đầu cho những cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trong suốt 9 năm sau đó.
Năm 2001, nhà sử học Mỹ Robert J. Hanyok thuộc Tàng thư về an ninh quốc gia của Đại học George Washington sau nhiều tháng lục tìm trong kho lưu trữ của chính Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA), đã phát hiện ra những “sự thật chết người” bị giấu nhẹm gần 40 năm trước đó về “sự kiện vịnh Bắc Bộ”.
Hanyok đã công bố các phát biểu của mình trong bài viết có tựa đề “Người dũng cảm trong bóng tối” (Spartans in darkness), đăng trong tạp chí nội bộ năm 2001, rằng những hoạt động thông tin liên lạc của Bắc Việt Nam mà NSA nghe trộm được qua các trạm đặt ở Phú Bài, Huế và San Miguel, Philippines đã bị các nhân viên NSA bóp méo, ngụy tạo khiến Chính phủ Mỹ hiểu rằng hai tàu khu trục Mỹ bị Bắc Việt Nam tấn công hôm 4/8/1964 và đã ra lệnh trả đũa ngay lập tức vào ngày hôm sau 5/8/1964.
Hanyok đã chứng minh và kết luận rằng, các tàu chiến Bắc Việt không tấn công tàu Mỹ 2 lần - nói đúng ra thì chỉ có 1 cuộc tấn công vào ngày 2/8/1964. Còn về “cuộc tấn công” ngày 4/8/1964 thực tế là đã không hề xảy ra. Hanyok dẫn lời nhân chứng của phi công lái máy bay quân sự James Stockdale, người đã ở trên không chính vào thời điểm cáo buộc xảy ra tấn công và anh ta không hề thấy bất cứ “cuộc tấn công” nào của Việt Nam.
Năm 2001, khi các tài liệu tối mật trong chiến tranh Việt Nam được giải mật, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã thừa nhận rằng sự kiện vịnh Bắc Bộ lần thứ hai chưa hề xảy ra. Trong ảnh: Khu trục hạm USS Turner Joy của Hải quân Mỹ.
Ông Hanyok nói: “Các nhà quân sự của chúng tôi (tức Mỹ) sợ phải tuyên bố với ban lãnh đạo dân sự rằng phương pháp chiến tranh như vậy sẽ dẫn đến thua cuộc chắc chắn”. Đó là suy nghĩ của chính khách Mỹ Colin Powell là đại úy phục vụ tại miền Nam Việt Nam vào thời gian đó…
Như vậy, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đã bị thất bại ngay từ trận đầu (ngày 5/8/1964). Đã 55 năm trôi qua, nhưng bài học về đánh thắng trận đầu. Đến nay, bài học trên vẫn còn nguyên giá trị, bằng chứng sinh động về bài ca dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là bài học nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược, bá quyền để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trận hải chiến xảy ra, tàu Maddox (Ma-đốc) của Mỹ sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam. Trong đó, địch dùng các loại pháo 40mm, 20mm và trọng liên bắn xối xả, cho máy bay bắn rôcket 20mm xuống đội hình tàu ta, một quả rôcket bắn trúng trước đài chỉ huy tàu 336, làm Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tư hy sinh. Tàu 339 sau khi phóng ngư lôi vào tàu Maddox, đã chuyển sang đánh máy bay địch, sau đó rời khỏi khu vực chiến đấu, chạy về phía đất liền. Hai tàu 333 và 336 tiếp tục đánh trả máy bay địch, bắn rơi 1 chiếc, bắn bị thương 1 chiếc khác. Kết quả, tàu Maddox bị trúng đạn 14,5mm vào mạn, làm một số thiết bị trên boong hư hỏng. Về phía ta hy sinh 4 chiến sĩ, bị thương 6 chiến sĩ; 2 tàu 336 và 339 bị hỏng một số thiết bị trên boong và trong khoang; phía Mỹ không có thương vong, tàu Maddox (Ma-đốc) buộc phải tháo chạy khỏi lãnh hải Bắc Việt Nam |