Được đánh giá là bộ phim kinh điển của điện ảnh Trung Quốc, Tây Du Ký không chỉ làm mưa làm gió ở Trung Quốc mà còn trở thành làn sóng được yêu mến khắp châu Á. Sau 33 năm, Tây Du Ký vẫn không ngừng được yêu mến và trở thành bộ phim được đón chờ vào mỗi dịp hè.
Thế nhưng ít ai biết, đằng sau mỗi thước phim kinh điển ấy là những câu chuyện hậu trường dở khóc dở cười khiến đoàn làm phim nhớ mãi không quên.
Tôn Ngộ Không bị chó cắn rách quần trong tập Đại chiến Nhị Lang Thần
Theo đúng kịch bản trong tập phim Giao chiến Nhị Lang Thần, Tôn Ngộ Không bị binh tướng nhà trời xua "khuyển phong thần" ra đuổi bắt. Và khi đó, cảnh quay được quay tại vườn bách thảo Lộc Sơn, Giang Tây. Đoàn làm phim đã mượn chú chó bec-giê của đội quản lý rừng.
Ở cảnh quay Tôn Ngộ Không chiến đấu với "Thiên khuyển", Lục Tiểu Linh Đồng được treo bằng một sợi dây cáp, nối với ròng rọc và được nhân viên đoàn vừa kéo vừa chạy để tạo cảnh Tôn Ngộ Không bay lên cao thoát khỏi sự truy đuổi của "Thiên Khuyển".
Thế nhưng chú chó hung dữ không chịu nghe lời, khi bị Tôn Hành Giả trêu ghẹo đã nhảy lên đuổi và cắn rách một mảng quần của Tôn Ngộ Không. Chính Lục Tiểu Linh Đồng cũng một phen hú hồn vì cảnh quay này. Ông cho biết may mắn khi đó được kéo lên kịp thời nên chú chó chỉ cắn phải quần ông chứ chưa trúng vào người. Thế nhưng vì chú chó hung dữ nên cũng đã để lại vết xước trên chân ông.
Chú chó hung dữ đó vốn dĩ rất khó "bảo ban", cứ thấy người của đoàn làm phim là cắn, sủa rất dữ dội. Khi đó, chủ nhân của chú chó lại đang làm việc nên không thể giúp đỡ đoàn làm phim quản lý chú chó. Vì vậy, cả đoàn phải rất khó khăn, không biết nên làm thế nào để bảo ban chú chó. Mãi sau đó, khi người này đến góp mặt vào đoàn, mọi việc mới được tiến hành.
Sau đó, đoàn phim đã phải mượn thêm một chú chó của Lực lượng cảnh sát Bắc Kinh. Chú chó giống thuần chủng, được đào tạo bài bản nên "diễn xuất" tốt và rất biết nghe lời. Nó còn rất thân thiện với mọi người, những cảnh quay cũng vì thế mà được tiến hành thuận lợi.
Cả đoàn khốn khổ vì cảnh bồng lai
Trong Tây Du Ký có rất nhiều cảnh thần tiên ở chốn bồng lai, thế nhưng đoàn làm phim phải thừa nhận để dựng được cảnh ấy thật sự rất cực khổ. Cảnh chốn bồng lai tiêu biểu với mây mờ giăng phủ, các thần tiên bay trên những tầng mây. Khi đó, thiết bị hiện đại lại chưa có, công nghệ kỹ xảo cũng chưa cao, vậy nên mỗi cảnh quay chốn bồng lai, đoàn làm phim đều phải huy động rất nhiều bình băng khô (CO2 rắn). Sau mỗi cảnh, họ mở cửa cho khí thoát ra bớt (khí C02 khiến người yếu rất dễ bị ngất xỉu), sau đó mới tiếp tục cảnh tiếp theo. Đạo diễn Dương Khiết giờ vẫn không quên kỷ niệm "hú hồn" vì băng khô.
Đạo diễn Dương Khiết cho biết một lần, đoàn làm phim thực hiện cảnh một vị thần lướt trên những tầng mây. Để thực hiện cảnh này, diễn viên đứng trên băng trượt và được một nhân viên ngồi khom lưng (cho người chìm vào lớp khói, không xuất hiện trên màn hình) kéo đi. Cảnh quay thực hiện lại nhiều lần nên nhân viên kéo xe đã ngất xỉu vì hít khí CO2 quá lâu. Nhân viên được đưa đi cấp cứu, đạo diễn và đoàn phim cũng được một phen hú hồn hú vía.
Cũng trong những cảnh quay mây khói này, không ít diễn viên xây xẩm mặt mày vì trượt ngã trên sàn ướt nhẹp. Chính Tôn Ngộ Không cũng bị một cú lộn nhào ê ẩm. Ở tập Phá vườn đào, đại thánh trộm linh đơn - quan "Bật mã ôn" say rượu tới trộm linh đơn, Lục Tiểu Linh đồng mải mê diễn cảnh say nên đã không may ngã nhào. Nhưng thay vì hô cắt, đạo diễn Dương Khiết vẫn tiếp tục cho ghi hình, và sau này bà nói, cảnh ngã càng trở nên chân thực.
"Hầu Vương xuất thế" khiến cả đoàn bị sóng đánh tan tác
Trong tập 1 Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một tảng đá nằm ven biển. Chính những con sóng dữ dội đập vào tảng đá khiến nó nứt ra, Tề Thiên Đại Thánh từ đó xuất thế.
Cảnh quay đó được thực hiện vào tháng 10/1984 tại bờ biển Bắc Đới Hà, nơi có những con sóng lớn, phù hợp với bối cảnh.
Phó quay phim Đường Kế Toàn kể lại, trong một cảnh quay Tôn Ngộ Không nhảy lên từ tảng đá nổ khiến cả đoàn mất rất nhiều tâm sức.
Trước đó, đoàn phim đã kỳ công chuẩn bị một "tảng đá" đạo cụ, nhưng trong quá trình di chuyển, "tảng đá" bị nứt, buộc bộ phận mỹ thuật phải sửa chữa. Vì vậy đoàn làm phim phải sử dụng các miếng xốp nhựa, cát, xi măng để hàn lại vết nứt, đồng thời gắn kíp nổ chuẩn bị cho cảnh "Thạch hầu" ra đời. Cả người lẫn đá đã ướt sũng vì sóng biển tạt dữ dội, vật vã mãi cuối cùng mới có thể ghi được những hình ảnh giá trị.
Chốn bồng lai được dựng ở ... phòng tập thể dục của trường đại học
Cảnh quay chốn bồng lai cũng là một trong những cảnh đáng nhớ trong Tây Du Ký. Để tạo khung cảnh vườn đào chốn tiên cảnh, đoàn làm phim đã sử dụng thiết bị ánh sáng và máy tạo khói. Nhằm tạo sự chân thật cho các thước phim, đoàn làm phim đã ra tận ngoại ô để mua những cây đào thật đem về trường quay. Thế nhưng cây đào thật lại... hơi ít lá nên chỉ trong vài ngày đã héo rũ. Vì vậy, đoàn làm phim lại phải huy động người làm lá giả dán lên cành đào.
Còn quả đào căng mọng, to và đẹp trong phim cũng đã được biến hóa một cách kỳ ảo qua đôi tay của thiết kế đạo cụ. Bằng những nan tre mỏng được uốn, họ dán lớp giấy bên ngoài, rồi phết màu sao cho màu sắc tự nhiên. Và những trái đào thật được đặt bên trong trái đào giả (quả đào giả được khoét một lỗ, sau đó cho đào thật vào phía trong), diễn viên như vậy có thể cầm trái đào lên và cắn thật, trong khi chiều hướng về ống kính vẫn là những trái đào giả to mượt mà.
Đặc biệt nhất chính là khung cảnh của chốn bồng lai. Khi đó, vì kinh phí eo hẹp nên đoàn làm phim không thể thuê được trường quay hoành tráng, chuyên nghiệp. Để quay cảnh chốn bồng lai, đoàn làm phim đã thuê một phòng tập của một trường thể dục. "Trường quay" này vừa đáp ứng được yêu cầu rộng và rẻ. Sau đó, đoàn làm phim sẽ trang trí để trông lung linh và huyển ảo hơn.
Tiểu hòa thượng mệt bở hơi tai vì "bị giam ở Ngũ Hành Sơn"
Trong tập Bị giam ở Ngũ Hành Sơn có đoạn giải thích về xuất xứ của Đường Huyền Trang, đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh éo le, trôi dạt đến chùa và được các nhà sư nuôi nấng.
Tập này được quay ở Thạch Gia Trang, Hà Bắc có khung cảnh rất đẹp. Ngôi đền nơi ghi hình được xây dựng trong thung lũng lưng chừng núi, lọt giữa núi và những vách đá, mặt sau của ngôi đền có một khoảnh ao nhỏ. Đây chính là nơi ghi hình cảnh chú tiểu Đường Huyền Trang thả con cá mua được của một ngư dân.
Diễn viên đóng sư phụ thời nhỏ là một cậu bé người Bắc Kinh, có gương mặt, dáng vóc rất khôi ngô, tuấn tú, nhiều nét rất giống Từ Thiếu Hoa (người đóng vai sư phụ trưởng thành). Cậu bé đóng rất đạt, từ cảnh chạy lên những bậc cầu thang, ôm con cá nhỏ vào vạt áo, sau đó thả vào ao, đến gương mặt hoan hỉ sau khi làm việc thiện.
Thế nhưng điều đáng nói là con cá cứ mỗi lần thả ra đã nhảy xuống nước và mất hút nhanh như chớp trong khi ống kính máy quay chưa kịp ghi xong hình ảnh, khiến nhân viên phải dùng đạo cụ bắt lại. Để tránh đạo cụ cá "bỏ trốn", nhân viên trong đoàn nghĩ ra cách nối con cá với một sợi dây nilon, mắt thường khó mà phát hiện. Cũng nhờ vậy, mọi việc mới suôn sẻ, chỉ khổ cho "tiểu hòa thượng" phải diễn nhiều lần chạy lên chạy xuống cầu thang nên mệt bở hơi tai.
Nhân dịp VTV phát sóng lại Tây Du Ký 1986, hàng loạt hình ảnh hậu trường của bộ phim lại được chia sẻ lại, thu hút sự...