Theo đó, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc xây dựng và công khai đề án tuyển sinh của các trường, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh. Đoàn thanh tra sẽ bắt đầu làm việc từ 1/8, thời gian thanh tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày quyết định thanh tra được công bố.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, theo quy định, các trường được tự chủ trong tuyển sinh, tự quyết định mức điểm sàn (trừ ngành sư phạm và sức khỏe, do Bộ quy định ngưỡng điểm sàn).
Tuy nhiên, các trường cũng phải chịu trách nhiệm giải trình về việc thực hiện quy chế tuyển sinh trong các trường hợp như thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp (18/7), xét tuyển học bạ đối với ngành sức khỏe không yêu cầu lực học khá giỏi… Đồng thời, trường cũng phải đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh.
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, 1 trong 4 trường bị thanh tra.
Riêng về ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GDĐT cho phép các trường được tự xác định mức điểm sàn, tuy nhiên, Bộ sẽ có biện pháp quản lý đối với các trường công bố điểm sàn thấp thông qua việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất các trường này khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp…
Đối với những trường tuyển vượt chỉ tiêu, trường và các cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý bằng cách trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau, xử phát hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
“Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch HĐTS và những người liên quan cũng sẽ bị xử lý kỷ luật tùy vào mức độ lỗi. Tự chủ tuyển sinh nhưng các trường phải đảm bảo chất lượng, thể hiện trách nhiệm với người học và xã hội”, bà Phụng nhấn mạnh.
Trả lời các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, cho biết nguyên tắc chọn trường thanh tra là những trường có điểm sàn thuộc vào loại thấp nhất. Chẳng hạn như các trường ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Bạc Liêu nhiều ngành có điểm sàn dưới 13; Trường ĐH Lâm nghiệp có điểm sàn 13. Tuy khá nhiều trường có điểm sàn mức 13, nhưng không nhiều như Trường ĐH Lâm nghiệp (70 mã ngành đều có điểm sàn 13).
“Đặt điểm sàn bao nhiêu là quyền của trường, nhưng Bộ GDĐT có trách nhiệm kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường, cách xây dựng đề án, công khai đề án, thực hiện đề án ra sao… Động thái kiểm tra này là cần thiết để đảm bảo lợi ích của người học”, ông Bằng nói.
Ông Bằng cũng lưu ý, việc kiểm tra này là một hoạt động bình thường, Bộ thực hiện với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.