Dân Việt

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh phân tích việc xử phạt thể thao khiêu dâm

Tuệ Minh 02/08/2019 18:10 GMT+7
Liên quan tới nghị định 46/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao khi sử dụng các bài tập, các động tác mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy..., ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Tổng cục TDTT đã có những phân tích thấu đáo.

Theo nghị định 46, hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng.

Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 và đã gây ra những tranh cãi trong dư luận. Vấn đề được dư luận đặt ra là cần có những tiêu chuẩn phân định rõ thế nào là tập luyện thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy... làm cơ sở để xử phạt.

img

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng Nghị định 46 có nhiều mặt tích cực. Ảnh: I.T

Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: "Tôi nghĩ đặt vấn đề như vậy là đúng. Muốn xử phạt cần có những tiêu chí được cụ thể hóa.

Tôi đọc báo thấy Kiện tướng dancesport Chí Anh đưa ra ý kiến có lý. Thực tế, ngoài dancesport, còn có một số môn thể thao khi trình diễn có liên quan tới vấn đề trang phục, sự phối hợp kỹ thuật, nghệ thuật giữa nam-nữ như thể dục nghệ thuật, trượt băng nghệ thuật…

Chí Anh nói khi tập luyện, thi đấu không thấy gì là dung tục do VĐV khi ấy tập trung hoàn toàn vào các động tác khó là đúng. Các môn thể thao nói trên cũng có luật quy định chặt chẽ từ kích cỡ trang phục, động tác, cách trình diễn, âm nhạc phối hợp chứ không phải thích kiểu gì cũng được.

Ngay như môn thể hình nữ những năm 80 thế kỷ trước khi tôi còn làm cũng không được cho thi đấu vì lý do trang phục, dù đó là môn thể thao mà cả thế giới đều chơi.

Dần dần về sau, nữ VĐV thể hình Việt Nam mới có cơ hội thể hiện vẻ đẹp hình thể trên đấu trường quốc tế".

img

Một số động tác ở môn dancesport được cho là quá sexy. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, ý kiến của Chí Anh là dưới góc độ VĐV thi đấu đỉnh cao: "Ngoài VĐV đỉnh cao, còn có hàng vạn người tập luyện.

Không ít người có thể lợi dụng, biến tướng các động tác của dancesport và các môn khác. Và trong trường hợp này cần có luật để xử phạt, răn đe", nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận định.

Phân tích về mặt tích cực của nghị định 46, ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ:

"Tôi đã nhiều lần được mời dự, bàn về nghị định này. Mục đích của nghị định tôi nghĩ rất tốt thôi. Mặt tích cực là phòng ngừa, răn đe, giáo dục, đặc biệt trong thời điểm xã hội ta đang bùng nổ thông tin trên mạng xã hội.

Nghị định có tính chất dự báo, muốn hướng dẫn, định hướng về tư tưởng trong hoạt động tập luyện TDTT".

img

Các nữ lực sĩ thể hình Việt Nam khoe vẻ đẹp hình thể. Ảnh: I.T

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh phân tích: "Xu thế của thể thao thế giới là nâng cao sức khỏe. Bản chất của thể thao là hướng tới những điều tốt đẹp, giáo dục thể chất con người, trong đó có cả đạo đức, văn hóa. Thi đấu chỉ là phương tiện.

Nhưng trong một xã hội, thời kỳ nào cũng xuất hiện những lệch lạc, tiêu cực, bạo lực, không phù hợp với bản chất giáo dục của thể thao. Thực tế, các môn võ có tính chất đối kháng cao được đưa vào chương trình thi đấu ASIAD, Olympic luôn có luật rất chặt chẽ.

Vấn đề là vẫn có không ít người  lợi dụng, tiếp cận nó như một cách sử dụng bạo lực. Chính phủ một nước muốn gìn giữ, phát triển một nền thể thao lành mạnh theo đúng tinh thần Olympic thì phải có hành lang pháp lý đối với những  biểu hiện, biến tướng tiêu cực này".

img

Trang phục gợi cảm của VĐV trượt băng nghệ thuật quốc tế. 

Nói về việc tập luyện yoga khỏa thân, ông Minh cho biết: "Tôi có quen biết giới chuyên môn yoga và có đến các phòng tập quan sát.

Trong Luật Yoga, có trường phái tập luyện không mặc quần áo nhưng phải trong điều kiện kín đáo, ví dụ như họ tập luyện 1 mình ở nhà riêng. Còn khi đi truyền bá lại là chuyện khác".

Chốt lại, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nói: "Nghị định 46 có nhiều mặt tích cực. Nhưng có lẽ khi bàn tới chuyện khiêu dâm, đồi trụy thì Bộ VHTTDL nên xem xét nhiều hơn, quy định ch ở lĩnh vực biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Chúng ta hãy xem cách ăn mặc của các DJ, cách biểu diễn của các vũ đoàn còn có nhiều điều đáng nói hơn. Ngay cả trên các kênh truyền hình quảng bá, vẫn xuất hiện những hình ảnh nhảy, múa phụ hóa khá phản cảm với các động tác, trang phục không phù hợp.

Với các môn thể thao, VĐV thể thao đỉnh cao Việt Nam khi tập luyện, thi đấu, tôi chưa thấy có biểu hiện gì lắm".