Dân Việt

Nông thôn đối diện nguy cơ thành... “sa mạc”

Khánh Nguyên 02/08/2019 18:00 GMT+7
Đó là nguy cơ mà nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cảnh báo trong quá trình nghiên cứu về quá trình chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu không có những giải pháp kịp thời, nhiều tiềm năng của vùng sẽ bị đánh mất.

Lao động vừa thiếu vừa thừa

Sóc Trăng là vùng trồng mía trọng điểm của vùng ĐBSCL nhưng mấy năm trở lại đây diện tích mía của địa phương giảm đáng kể, từ vài chục nghìn ha năm 2010 xuống còn khoảng 5.100ha năm 2019. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là giá mía bấp bênh thì thiếu nhân lực trồng, thu hoạch mía cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích mía giảm dần.

Có một thực tế rất đáng lo ngại là lao động nông, lâm, thủy sản vùng ĐBSCL chủ yếu là người già, kỹ năng kém, tình trạng thiếu lao động khi vào thời vụ ngày càng phổ biến. “Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến hiện tượng sa mạc nông thôn” - bà Trần Thị Thanh Nhàn - Phó Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Ipsard) cảnh báo.

Một làn sóng lao động di cư đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL, chủ yếu là lao động trẻ, lao động phổ thông. Điểm đến của họ là các khu công nghiệp ở Bình Dương (chiếm 53%) và TP.Hồ Chí Minh (19%). Nông thôn không còn đủ lực níu chân người ở lại.

img

 ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu lao động khu vực nông thôn. Ảnh: I.T

“Di cư đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có An Giang. Điều tra dân số vừa qua cho kết quả đáng lo ngại khi  số dân của An Giang giảm từ 2,1 triệu người xuống còn 1,9 triệu người. Đó là con số thể hiện một lượng lớn lao động đã rời quê đi làm ăn” - ông Trương Tiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang nêu một thực tế.

Điều này dẫn đến tỷ lệ lao động trong độ tuổi dưới 35 tuổi vùng ĐBSCL giảm từ 45,5% năm 2012 xuống còn 38,9% năm 2017, lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 20,7% lên 26,8%; trong ngành nông, lâm, thủy sản, lao động dưới 35 tuổi giảm 37,4% xuống còn 26,2% và lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 24,1% lên 34,1%.

Lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản vùng ĐBSCL có xu hướng chuyển dịch sang ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 51% năm 2012 xuống còn 45% năm 2017. Trong nội ngành nông, lâm, thủy  sản, tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp giảm từ 77,9% năm 2012 xuống còn 76,4% năm 2017; lao động ngành thủy sản tăng 21,9% lên 23,5%.

Theo bà Nhàn, việc chuyển đổi cơ cấu lao động trong vùng ĐBSCL đang có nhiều mâu thuẫn. Một mặt, doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động do trình độ lao động thấp, kỹ năng thiếu; lao động có việc làm qua đào tạo chỉ đạt 12,1% so với trung bình cả nước là 21,4%, lương của công nhân thấp hơn so với khu vực khác nên chưa đủ hấp dẫn.

 Mặt khác, việc phát triển doanh nghiệp còn hạn chế lại ảnh hưởng đến quá trình tạo việc làm cho người lao động. Thực tế, tốc độ tăng trưởng  doanh nghiệp của ĐBSCL thấp nhất cả nước do cơ sở hạ tầng dẫn đến chi phí logistics cao; việc phát triển hợp tác xã còn khó khăn còn các làng nghề chưa có đầu ra ổn định nên thu nhập của người lao động thấp.

Trong khi đó, dù được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề lớn nhất cả nước nhưng hiệu quả đào tạo trong vùng còn thấp do chương trình đào tạo thiếu thực tế, có 78,3% lao động được đào tạo có việc làm nhưng có 93,7% lao động được đào tạo nghề phải tự tạo việc làm; 4,15% lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và chỉ có 0,98% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng.

Tạo việc làm tại chỗ

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh An Giang tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, rau màu) và sản phẩm tiềm năng (nấm, chăn nuôi bò, tôm càng xanh) và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng ưu tiên cho những nghề liên quan đến nhóm ngành hàng này.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 1.315 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 36.683 người, bình quân đào tạo 5.240 lao động/năm. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, An Giang đã đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, giảm dần diện tích lúa, tăng các loại hoa màu, chăn nuôi quy mô lớn. Theo đó, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 85,7% năm 2011 xuống còn 83%; ngành chăn nuôi tăng từ 6,4% lên 6,6% hiện nay. 

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi dưới 35 tuổi vùng ĐBSCL giảm từ 45,5% năm 2012 xuống còn 38,9% năm 2017, lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 20,7% lên 26,8%; trong ngành nông lâm thủy sản, lao động dưới 35 tuổi giảm 37,4% xuống còn 26,2% và lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 24,1% lên 34,1%.
 

Ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng phụ trách Ipsard – cho hay, vùng ĐBSCL đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ trồng lúa sang thủy sản, trái cây, điều này đặt ra thách thức cho lao động nông thôn phải thích ứng trong bối cảnh mới.

Vì vậy, theo ông Thắng, các địa phương vùng ĐBSCL cần ưu tiên đào tạo những ngành nghề phù hợp với lĩnh vực chuyển đổi; phát triển chương trình đào tạo phù hợp; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương và tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; khuyến khích và ưu tiên cho lao động nông nghiệp có trình độ tham gia xuất khẩu để học hỏi kinh nghiệm...