Dân Việt

Bài 1: Vì sao Hải quân non trẻ lại đuổi được tàu khu trục hiện đại?

Lương Kết (thực hiện) 03/08/2019 07:00 GMT+7
Theo Thiếu tướng –GS-TS Nguyễn Hồng Quân, vào năm 1964, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã dám đương đầu và đánh đuổi tàu khu trục Maddox hiện đại của Mỹ khi xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Làm được điều này có nhiều yếu tố.

img

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (ảnh Vnexpress.net).

Nhân dịp 55 năm trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam và sự kiện vịnh Bắc Bộ (do Mỹ dựng lên), PV Dân Việt có trao đổi với Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) để hiểu rõ hơn về câu chuyện lịch sử và ứng phó trong bảo vệ chủ quyển lãnh hải hiện nay.

Thưa Thiếu tướng, vào năm 1964, lực lượng Hải quân của chúng ta tuy còn sơ khai nhưng đã đương đầu và đánh đuổi được kẻ xâm lấn có phương tiện hiện đại hàng đầu thế giới, vì sao chúng ta tạo nên điều này?

- Đúng là thời điểm năm 1964, Hải quân của ta còn non trẻ. Theo lịch sử, Cục Phòng thủ bờ biển ra đời 7/5/1955, ngày 24/1/1959, Cục Phòng thủ bờ biển chuyển đổi thành Cục Hải quân;

Năm 1964 là thời điểm Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, tìm cách mở rộng chiến tranh bằng không quân và Hải quân ra miền Bắc, nhằm các mục đích chiến lược tấn công miền Bắc và phá hủy tuyến đường tiếp tế từ Bắc vào Nam, đàn áp phong trào Đồng khởi tại miền Nam, làm lung lạc ý chí của nhân dân Việt Nam, phá hoại kinh tế và đời sống xã hội tại miền Bắc Việt Nam; Về đối ngoại, Mỹ muốn cảnh cáo khối XHCN đang viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu Maddox số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc, hoạt động gần bờ dọc vùng biển từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa.

Vào ngày 1/8/1964, phân đội tàu phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm 3 chiếc) đã tiến đến vùng biển Thanh Hóa để nghênh chiến với tàu khu trục Maddox lúc này đang ở khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư. Hải quân VNCH có 6 tàu ngư lôi, do tàu khu trục USS Maddox chỉ huy, đã tấn công các đảo Hòn Mê và Hòn Ngư, nhưng không thể đổ bộ lên đảo.

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox đã đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm tàu 333, 336 và 339). Tàu Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng bốn máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi. Một máy bay Mỹ đã bị hư hỏng, tàu khu trục bị một vết đạn 14,5 mm. Ba tàu ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam bị hư hỏng, bốn thủy thủ hy sinh, 6 chiến sĩ bị thương.

img

Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng đánh thắng kẻ địch ngay từ trận đầu để bảo vệ chủ quyền biển đảo (đồ họa Việt Anh).

Tại sao một lực lượng còn non trẻ lại dám đương đầu để chiến đấu và đánh đuổi được kẻ địch có phương tiện kỹ thuật hiện đại như vậy. Đó là nhờ tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do; sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân khát khao đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước; lực lượng Hải quân nhân dân đã nêu cao cảnh giác, được giáo dục chính trị sâu sắc; chúng ta đã nắm chắc tình hình, dự báo đúng tình huống; dù lực lượng Hải quân được thành lập chưa lâu nhưng đã huấn luyện chu đáo ngay trong thời bình; một điều nữa cũng phải nói đến đó là được ủng hộ của các nước XHCN.

Thưa Thiếu tướng, sự kiện vịnh Bắc Bộ dù đã đi qua 55 năm, nhưng khi so sánh với những sự kiện ngày nay thấy vẫn có những nét tương đồng khi kẻ mạnh cậy thế, cố tình dựng chuyện, bất chấp luật pháp quốc tế để lấn át quốc gia khác trên biển?

- Cần phải thấy Việt Nam chúng ta ở vị trí địa chiến lược rất quan trọng, luôn là nơi các nước lớn quan tâm. Thời nào họ cũng tìm cách can dự để giành lợi thế trong cạnh tranh với các nước lớn khác. Do đặc điểm của địa lý, biển kéo dài nên trong lịch sử kẻ thù thường tấn công Việt Nam từ hướng biển vào.

Nhưng thế giới ngày nay thay đổi nhiều so với trước. Công ước Liêp Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rất rõ chiều rộng của lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, vùng kéo dài của thềm lục địa. Các quốc gia ven bờ có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán.

Ngày nay, nước nào bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược lấn át các quốc gia ven biển khác, chẳng những vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm cam kết khu vực, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà còn vấp phải sự phản ứng của cả khu vực, cộng đồng quốc tế, của chính nhân dân tiến bộ trong nước họ và rồi họ sẽ chuốc lấy thất bại.

img

Lực lượng Hải quân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu (ảnh IT).

Theo Thiếu tướng, trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền lãnh hải của chúng ta trong tình hình hiện nay có điểm mới cần phải chú ý so với sự kiện 55 năm trước?

- Có thể thấy, ngày trước đối phương thường dùng hải quân xâm lấn, tấn công chúng ta, còn hiện nay đối phương không phải lúc nào cũng dùng lực lượng hải quân mà họ dùng tàu hải cảnh, dân quân biển gây hấn với ta tạo thành câu chuyện như đang thực hiện quyền chủ quyền để đánh lừa dư luận, còn thực chất là xâm lấn. Cho nên dù chúng ta có lực lượng Hải quân mạnh nhưng ta cũng phải dùng tàu Cảnh sát biển để đấu tranh với họ.

Điều nữa cần chú ý là chúng ta không được chủ động bắn đối phương trước để tránh mắc mưu của họ.

Nếu như cuộc đánh đuổi tàu khu trục Maddox khi xâm phạm lãnh hải Việt Nam 55 năm trước chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn là xong, còn cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của chúng ta ngày nay không phải dễ kết thúc mà nó còn kéo dài nhiều năm. Thấy được điều đó để chúng ta chuẩn bị tinh thần và lực lượng.

Một điểm mới trong cuộc đấu tranh của chúng ta ngày nay là dư luận, chính giới khu vực, thế giới đã lên tiếng phê phán hành động gây bất ổn trên Biển Đông. Mới đây (31/7), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN lần thứ 52 đã ra tuyên bố chung lên án hành động lấn chiếm biển đảo trái phép và gây hấn làm bất ổn trên Biển Đông. Chúng ta cần phải tận dụng những diễn đàn như vậy để tăng thêm tính chính nghĩa.

Xin cảm ơn Thiếu tướng (!)

Đón đọc bài cuối: Bài học lớn từ sự kiện vịnh Bắc Bộ trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải