Trong số 34 thí sinh ở Tây Ninh có bài thi 0 điểm, nhiều em là học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Những em này có bài thi 3 môn tổ hợp đều 0 điểm hoặc một môn 0 điểm. Trong khi đó, điểm thi các môn khác lại khá.
Chiều 1/8, Bộ GD-ĐT cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm, các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi kết quả sau phúc khảo so với ban đầu của các bài thi là do: Chất lượng của bản in Phiếu trả lời trắc nghiệm không đồng đều dẫn đến máy quét không nhận dạng được chính xác.
Trong số 34 thí sinh ở Tây Ninh có bài thi 0 điểm, nhiều em là học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. (Ảnh minh họa).
Đặc biệt, một số thí sinh tô nhầm số báo danh; một số thí sinh tô sai mã đề thi; một số thí sinh tô mờ đáp án hoặc không tẩy hết đáp án cũ sau khi đã thay đáp án mới trên bài làm.
Ông Trần Đức Thuận, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Đồng Nai (đơn vị chấm thi trắc nghiệm cho Tây Ninh), Trưởng ban Phúc khảo gửi Bộ GD&ĐT cũng cho biết hội đồng đã xác định được 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc thay đổi điểm thi của thí sinh.
Cụ thể, thứ nhất, do máy không nhận dạng được bài trả lời trắc nghiệm.
Thứ hai, thí sinh tô sai mã đề.
Thứ ba, thí sinh chọn đáp án mới nhưng không xóa hết phương án cũ.
Trưởng ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm, Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Tây Ninh, thông tin trong số hơn 20.000 bài thi trắc nghiệm của 8.700 thí sinh, khó trách khỏi vài chục bài thi được đưa vào diện chấm phúc khảo.
Ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm đã làm việc đúng quy trình, quy định để trả lại điểm thật, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Chia sẻ với báo chí, em Lê Quang Kỳ (học sinh giỏi quốc gia 2 năm liền nhưng bị 3 điểm 0 bất thường ở tổ hợp môn Khoa học tự nhiên) khẳng định chắc chắn: “Em tô đáp án rõ ràng vì giấy để tô đáp án trắng tinh, em lại dùng bút chì 3B màu đậm, khi tô lên trên nền trắng rất rõ”.
Thí sinh Lê Quang Kỳ, học sinh trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh. K. là một trong những thí sinh có điểm tăng “đột biến” sau phúc khảo từ 3 điểm 0 lần lượt ở các môn Hóa- Lý- Sinh lên thành 5,75- 8,5-6,25. Tổng điểm sau phúc khảo của em 20,5 điểm.
Chia sẻ về nguyên nhân được Bộ GD-ĐT đưa ra, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT bày tỏ: Sai sót trong việc chấm thi đã rõ ràng. Một khi đã để xảy ra lỗi, Bộ GD&ĐT cần đứng ra làm việc với trường đại học phụ trách chấm thi. Hai bên đối thoại để tìm ra sai sót, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo kỳ thi sau không xảy ra tình trạng tương tự, đừng đổ lỗi cho thí sinh.
Cũng theo PGS Nhĩ, trường hợp thí sinh tô nhầm có thể xảy ra nhưng thường được phát hiện và sửa sớm, chứ không phải để hơn 50 bài thi bị lỗi đến lúc chấm.
Sau khi phát hiện một thí sinh là học sinh được tăng 20,5 điểm sau phúc khảo, Sở GD-ĐT Tây Ninh tiếp tục phát hiện một...