Dân Việt

Hạ tầng hàng không quá tải do lỗi quy hoạch hay chậm đầu tư?

Thế Anh 02/08/2019 15:54 GMT+7
Trong những năm qua, thị trường hàng không Việt luôn tăng trưởng ở mức “nóng” đã gây sức ép lên hạ tầng hàng không, nhân lực quản lý và đảm bảo an toàn hàng không. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới quá tải tại các sân bay, lỗi quy hoạch hay lỗi dầu tư?

Đối với những sân bay hiện hữu, đặc biệt là với Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), khi đầu tư mở rộng được khoảng 5 năm đã khai thác vượt công suất thiết kế.

Theo thống kê, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 28 triệu khách/năm, nhưng năm 2018 đã thông qua 38 triệu khách; Sân bay Đà Nẵng công suất 10 triệu khách/năm nhưng năm 218 thông qua hơn 13 triệu hành khách; Sân bay Nội Bài cũng chung hoàn cảnh tương tự khi lượng khách đón vượt quá công suất. Đặc biệt, tỷ lệ chậm huỷ chuyến bay cũng tăng lên hàng nghìn chuyến/tháng.

img

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhiều năm qua. (Ảnh: Thế Anh)

Trước những vấn đề về quá tải cơ sở hạ tầng hàng không nói chung có phải là do lỗi ở quy hoạch hay là do chậm đầu tư, ông Võ Huy Cường Phó Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, lỗi về mặt quy hoạch thì ngành nào cũng có, trong đó, ngành hàng không cũng vậy, trên cơ sở dự báo thị trường, đồng thời quy hoạch phát triển.

Ví dụ: Lẽ ra cảng hàng không quốc tế Long Thành phải được xây dựng từ năm 2015 theo quy hoạch và đưa vào khai thác năm 2017, tuy nhiên, giai đoạn đó do có phản biện xã hội,... làm chậm quá trình đó. Hiện nay, cũng chưa hoàn thành báo cáo mang tính khả thi  để xem rằng liệu khi nào chúng ta có thể triển khai được.

Theo ông Võ Huy Cường, đấy là sức cản cực kì lớn cho sự phát triển của hàng không, không thể ngày 1 ngày 2 đáp ứng được cái sự phát triển của thị trường. Do đó, chúng ta gặp phải tình trạng mà chúng ta đang thấy ở cảng  hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không khác của chúng ta cũng có cái lỗi về mặt dự báo và quy hoạch.

Khi đầu tư bao giờ người ta cũng tính toán đến hiệu quả đầu tư nên không đầu tư một cách dài hạn mà phân kì nên là đầu tư đó mang tính nhỏ lẻ hơn và như thế thì đầu tư xong lại quá tải như nhà ga quốc tế ở Cát Bi, nhà ga quốc tế ở Cam Ranh vừa đầu tư xong cũng quá tải rồi.

“Đó là những cái mà chúng ta sai lầm trong quá trình đầu tư, trong quy hoạch. Và để sửa những lỗi đó thì Bộ GTVT theo chủ trương của chính phủ thì rà soát lại kế hoạch quy hoạch của một loạt các cảng hàng không mới, lớn, để chúng ta làm căn cơ và  đầu tư có tính chất dài hạn và lớn hơn”, ông Võ Huy Cường chia sẻ.

Về mặt triển khai các dự án, ông Võ Huy Cường cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất đã có điều chỉnh quy hoạch để làm nhà ga T3, nhưng vướng thủ tục thì chưa làm được. Tương tự, sân bay Nội Bài đang có sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, sớm có quy hoạch điều chỉnh để chúng ta có một tầm nhìn xa hơn  đến năm 2050 chúng ta có đầu tư cân bằng cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tránh trường hợp ở Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, còn có điều chỉnh sân bay Đà Nẵng để cũng sớm có đầu tư thêm nhà ga mới đáp ứng được nhu cầu phát triển nhà ga quốc tế Chu Lai và một loạt các cảng hàng không khác, kể cả cảng quốc tế Côn Đảo để đáp ứng được nhu cầu đi lại nội địa cũng rất lớn ở đó. Tuy nhiên, vì năng lực chỉ có tàu bay loại nhỏ chúng ta chưa nhìn thấy sự quá tải tại sân bay Côn Đảo, vì năng lực phục vụ của chúng ta chưa đạt được mức đó.

Phân tích về những mặt hạn chế khi triển khai quy hoạch sân bay, ông Võ Huy Cường cho hay: “Quy hoạch của chúng ta có nhưng cũng có những sai lầm trong quá trình triển khai thực hiện và cũng có những vướng mắc về cơ chế đầu tư nên là chậm”.

Để hiệu quả trong việc quản lý, vận hành đầu tư, ông Võ Huy Cường nêu: “Theo tôi đối với một cảng hàng không có 1 người quản lý kinh doanh khai thác để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động của nhà ga không chỉ là vì lợi ích kinh tế. Đặc biệt, là về vấn đề an toàn bên hàng không và chất lượng dịch vụ cũng là để tạo nên sự bình đẳng cấp cho tất cả những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhà ga”.

“Quan điểm của tôi xuyên suốt là đối với những người theo xây dựng hoặc quản lý khai thác cảng hàng không sân bay thì là người sẽ có kế hoạch để đề xuất đầu tư, mở rộng, nâng cấp hoặc xây mới các nhà ga trong sân bay mà mình quản lý, khai thác thì nó mới đảm bảo đạt mục tiêu. Tôi có quan điểm là tổng thể cảng hàng không Việt Nam phải là người quản lý thống nhất khai thác 21 cảng đã được giao và chịu trách nhiệm đầu tư về nhà ga hành khách, bãi đỗ đậu bay”, ông Võ Huy Cường nhận định.