Dân Việt

Vì sao nguyên Hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị khởi tố, bắt giam?

Anh Đức (tổng hợp) 03/08/2019 10:29 GMT+7
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Dương Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác". Vậy hành vi vi phạm của bị can được xác định cụ thể như thế nào?

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 30/7, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội), nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang  (SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội), nguyên là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Trường Đại học Đông Đô; Phạm Vân Thùy (SN 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) và Lê Thị Lương (SN 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) là cán bộ Trường Đại học Đông Đô.

Ngày 1/8, sau khi có quyết định phê chuẩn của VKSND Tối cao, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.

img

Bị can Dương Văn Hòa. Ảnh: Bộ Công an

Theo CAND: Qua công tác quản lý địa bàn, trước đó, Phòng 6, Cục An ninh chính trị nội bộ có thông tin về việc một số cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Đông Đô có dấu hiệu thông đồng, móc ngoặc với các trung tâm đào tạo ngắn hạn ở bên ngoài, thu thập hồ sơ của những người có nhu cầu tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, hệ chính quy... 

Trước thông tin trên, Cục An ninh chính trị nội bộ đã chủ động báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thu thập chứng cứ, tài liệu, chứng minh hành vi vi phạm. 

Những trinh sát của Phòng 6, Cục An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Cục ANĐT nắm bắt tình hình. 

Quá trình rà soát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục An ninh chính trị Nội bộ và Cục ANĐT đã xác định một số trường hợp sử dụng văn bằng 2 của Đại học Đông Đô để nộp vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Học viện Khoa học xã hội để hợp thức hóa đầu ra cho nghiên cứu sinh là Nguyễn Anh Q. - chuyên viên Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội; Nguyễn Hoàng P. - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; Đỗ Thị Thu H. và Cao Ngọc H. - giảng viên Học viện Tư pháp..., thu giữ bản gốc bằng tốt nghiệp và bảng điểm. 

Quá trình làm việc với các trường hợp trên, 3 trường hợp đã tự nguyện viết đơn tố cáo sai phạm của Đại học Đông Đô.

Từ lời khai của 5 trường hợp trên, kết hợp với các thông tin thu thập được, Cục An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Cục ANĐT tiếp tục làm việc với Bộ GD&ĐT thu thập các tài liệu liên quan đến quy trình đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy của các cơ sở đào tạo đại học; quy định về việc liên kết giữa các trường đại học với các trung tâm bên ngoài, trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo; chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy và danh sách học viên trúng tuyển văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh, hệ chính quy của Đại học Đông Đô từ năm 2016 đến nay...

Quá trình xác minh xác định việc buông lỏng công tác quản lý đào tạo và cho phép học viên không phải đi học, không phải thi đầu vào, đầu ra, để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy tại Đại học Đông Đô đã vi phạm quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT. Cục An ninh chính trị nội bộ và Cục ANĐT xác định: Từ năm 2016, Trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh hàng nghìn học viên và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại 3 cơ sở gồm: Số 1 Hoàng Đạo Thúy; 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội); 171 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). 

Đến đầu năm 2018, trường đã liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn trên toàn quốc không được cấp phép theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, CQĐT xác định các đối tượng có liên quan gồm Hòa, Quang, Thùy và Lương và triệu tập lên trụ sở làm việc. Ông Trần Ngọc Quang khai: Đại học Đông Đô có tổ chức các lớp văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh tiến độ nhanh (không tổ chức học, chỉ hoàn thiện các bài thi và cấp bằng)... Các lớp tiến độ nhanh không có thông báo tuyển sinh, việc tổ chức thi không thành lập hội đồng, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Dưới sự chỉ đạo của ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng, ông Quang đã ký bảng điểm cho học viên. 

Ngoài 8 trường hợp có bằng ngôn ngữ tiếng Anh mà không phải đi học, ông Quang nhận hồ sơ từ bà Phạm Diệu Thúy - nguyên cán bộ Khoa Thú y, Đại học Đông Đô, kinh phí thu từng trường hợp là 45 triệu đồng/trường hợp. 

Sau khi nhận hồ sơ và kinh phí, ông Quang nộp về Phòng Tài vụ mỗi trường hợp 30 triệu đồng theo quy định của nhà trường, số tiền còn lại (95 triệu đồng) do ông Quang giữ, sử dụng cá nhân. Đến nay, cả 8 trường hợp trên đều đã nhận bằng.

Phạm Vân Thùy có nhiệm vụ nhận hồ sơ, tổ chức hoàn thiện, hợp thức các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp (27 bài thi) và cấp bằng cho các học viên mà không phải trải qua quá trình học tập (thời gian thi hoàn thiện chỉ trong 2 ngày). 

Trong khóa học 2016-2018 đã có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức trên. Trong đó, Thùy trực tiếp được chỉ đạo nhận khoảng 200 hồ sơ (20 hồ sơ từ ông Dương Văn Hòa, 20 hồ sơ từ một số cán bộ của trường...). Ngoài ra, bà Thùy trực tiếp nhận 3 hồ sơ của người thân với số tiền 32 triệu/người và nộp về Phòng Tài vụ của trường số tiền 90 triệu đồng...

img

Cơ quan ANĐT thực hiện quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam. Nguồn: CAND

Kết quả điều tra bước đầu xác định: Xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân cần có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ (nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, thi tuyển vào biên chế…), Đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy cho các học viên theo học. Để cạnh tranh với các đơn vị đào tạo khác, Ban lãnh đạo Đại học Đông Đô có chủ trương liên kết với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài để tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận.

Các đối tượng đăng thông tin tuyển sinh trên mạng internet. Người có nhu cầu học thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của Đại học Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó. 

Để hợp thức hóa vi phạm trên, Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực phí được thả nổi thông qua “cò giáo dục” dao động từ 50 - 150 triệu/học viên.

Vào thời điểm đó, có rất nhiều đường dây trong trường cạnh tranh nhau. Tuy nhiên nếu theo dây ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng và một số lãnh đạo thì đảm bảo an toàn, nhanh và đúng thời gian nhất... Số cán bộ chủ chốt của nhà trường đã thông đồng, chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các trung tâm trên để thu thập hồ sơ của những người có nhu cầu lấy nhanh bằng đại học chính quy nhưng không tham gia học, thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Trong vụ án này, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26-6-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Người sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Tội “Giả mạo trong công tác” bị xử lý thế nào?

Điều 359 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nguồn: Dân Trí