Ngày 3/8, trả lời phóng viên Dân Việt, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho biết, chủ trương dự án tạc phù điêu vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” của tỉnh Bình Định sẽ tạo điểm nhấn hoành tráng tại cửa ngõ ra vào thành phố du lịch Quy Nhơn.
“Việc tạc phù điêu này không có gì sai trái nhưng nội dung như thế nào, có mỹ thuật hay không và về quy mô, tiêu tốn kinh phí bao nhiêu… đó là những thông tin đang được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, công trình chỉ mới có chủ trương, chưa thông qua bước phê duyệt dự án nên nhiều vấn đề chưa xác định được. Sau khi phê duyệt dự án, phải công khai rõ thông tin để người dân được biết”, ông Hà nói.
Cựu Bí thư Bình Định Vũ Hoàng Hà nói rằng việc tạc phù điêu vào vách núi phải hợp lòng dân. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo ông Vũ Hoàng Hà, hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang tranh thủ xây dựng các tượng đài hoành tráng. Nếu chỉ dùng ngân sách của người dân thì rất tốn kém, vì vậy lãnh đạo tỉnh Bình Định không nên bắt chước chạy theo “xu hướng” mà phải rút kinh nghiệm.
“Nên thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, chủ trương xã hội hóa để bớt gánh nặng tiền ngân sách. Đồng ý ban đầu phải dùng ngân sách nhưng khi xây dựng phải kêu gọi xã hội hóa cả nước, kể cả những người con của tỉnh Bình Định ở nước ngoài. Người dân có lòng yêu nước đều có quyền được đóng góp xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn, theo tinh thần tự nguyện”, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà đề nghị.
Phối cảnh phù điêu vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Ảnh: Sở VHTT tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Quang Trung, Chánh văn phòng Sở VHTT tỉnh Bình Định xác nhận, Bộ VHTTDL và Tỉnh ủy Bình Định đã có chủ trương và đồng thuận về việc tạc phù điêu vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.
Theo ông Trung, vị trí được chọn là vách núi Bà Hỏa (TP.Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành.
Tại khu vực này, theo phương án sẽ cắt vào sâu trong núi từ 20-25m tạo mặt phẳng đứng tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm làm quảng trường nhỏ, sinh hoạt cộng đồng. Tổng chiều dài của phù điêu là 81,5m, vị trí cao nhất là 35m, hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000m2.
Theo chủ trương của tỉnh Bình Định, công tác triển khai tác phẩm hoàn thành trong tháng 9/2020. Trước mắt, thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dời ngầm hóa các hệ thống đường điện và cáp treo thông tin viễn thông.
“Liên đoàn Địa chất Nam Trung Bộ đã tham gia khoan thăm dò trong núi thì cho kết quả đá liền khối, địa chất tốt để thực hiện công trình. Dự án chỉ mới đang ở bước chuẩn bị mặt bằng, nhiều số liệu chưa tổng hợp đầy đủ nên tổng mức kinh phí chưa xác định được. Tuy nhiên, việc này tỉnh sẽ tính toán bố trí theo giai đoạn để hoàn thành công trình”, ông Trung nói.
Khu vực dự kiến tạc phù điêu là vách núi Bà Hỏa nằm ở vị trí đắc địa tại thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo nhận định của ông Trung, bức phù điêu này mang vẻ đẹp độc đáo bởi được nằm trên vách núi Bà Hỏa, dùng chất liệu tạc thẳng vào núi và việc cắt núi sẽ tạo không gian quảng trường.
Ông Trung cho rằng: “Ý tưởng thực hiện công trình xuất phát từ lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định, với mong muốn tạo điểm nhấn ấn tượng cho tỉnh về du lịch, ý nghĩa lịch sử. Thực tế, tại Bình Định chưa có công trình nào để nói đến cội nguồn Lạc Long Quân - Âu Cơ”.
Trả lời phóng viên Dân Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, việc tạc phù điêu vào vách núi chỉ mới được thống nhất chủ trương dự án và đang thực hiện hồ sơ để thẩm định, xác định kinh phí thực hiện.
“Khi nào dự án được phê duyệt thì lãnh đạo tỉnh sẽ công khai thông tin đầy đủ, kể cả chi phí thực hiện để người dân được biết”, ông Thanh nói.