Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh vừa công bố 3 xã trên hết DTHCP. “Theo quy định, tính từ khi tiêu hủy đàn heo bị bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận, phát hiện có heo chết thêm do dịch bệnh này thì địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch”, bà Khanh cho biết.
Tỉnh Long An đã hỗ trợ hàng chục tấn vôi để các địa phương chống và dập DTHCP.
Bà Khanh cho biết thêm, sau khi công bố hết dịch, thì các chốt kiểm dịch tạm thời được lập tại các xã trên sẽ ngưng hoạt động. Mọi hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển heo trên địa bàn các xã trở lại bình thường.
Tuy nhiên, hiện DTHCP đang có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh Long An. Tính tới thời điểm này, DTHCP đã xảy ra tại 232 hộ với 77 xã của 15 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh với tổng số heo tiêu hủy hơn 7.200 con.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ 5.160 lít thuốc sát trùng và 83.680kg vôi để các địa phương chống và dập dịch.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trước tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng lan rộng, ngành tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTHCP; tăng cường công tác giám sát tại các xã, phường, thị trấn đã xảy ra dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh các trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Hiện, tỉnh Long An có hơn 7.000 con heo bị tiêu hủy do bị DTHCP.
Đối với các xã, phường, thị trấn chưa xảy ra dịch bệnh tăng cường công tác giám sát và tuyên truyền, vận động người dân không nên tăng đàn trong thời gian này; hạn chế ra, vào khu vực chăn nuôi đối với người lạ; có biện pháp ngăn động vật khác (chuột, chó, mèo,…) vào khu vực chăn nuôi. Bố trí lực lượng 24/24 giờ đối với các chốt kiểm dịch tạm thời. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân biết về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và biết xử lý khi phát hiện bệnh...