Dân Việt

Duyên tri kỷ của hai tác giả ca khúc và bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả”

Huy Hoàng 05/08/2019 17:46 GMT+7
“Nhạc sĩ Văn Phượng và tôi đã cùng nhau kết hợp đến ca khúc này là ca khúc thứ 4. Tôi và anh đã gặp nhau ở tư tưởng, cùng chung cảm xúc, cùng suy nghĩ về biển Đông, nên có thể nói đây là sự tri ân, tri kỷ giữa nhà thơ và nhạc sĩ”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự.

Thương Tổ quốc bên bờ biển cả 

“…Thương Tổ quốc bên bờ biển cả

Ngớt bão giông lại lũ xoáy mịt mờ

Trẻ đến trường phải lội mưa, đội sách

Hạt thóc lấm bùn thấm ướt những trang thơ

Thương Tổ quốc bên bờ biển cả

Mây Trường Sơn bay đến tận Trường Sa

Mây vẫn ấm trên mái nhà đất nước

Dẫu bão giông thấm giột phía Hoàng Sa…”

Bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến nhiều độc giả xúc động, giới văn nghệ sĩ thì không tiếc lời khen ngợi và cho rằng đây là một trong những bài thơ, bài trường ca về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa hay nhất.  Bài thơ nói về biển đảo, về người lính, về hậu phương nhưng không hề khô khan mà thấm đượm cảm xúc, lãng mạn. Độc giả cảm nhận sự hy sinh của những chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió nhưng cũng cảm nhận sự hy sinh của hậu phương.

img

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Chia sẻ với Dân Việt về bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả”, tác giả, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, bài thơ nằm trong một trường ca rất lớn viết về biển đảo của anh.

“Bài thơ đã từng được giải thưởng do báo Văn Nghệ, Vietnamnet tổ chức tại cuộc thi “Đây biển Việt Nam” viết về biển đảo Việt Nam. Lúc đó, tôi được các anh trong Ban tổ chức mời đến và cho biết, các anh mời tôi tham gia cuộc thi bởi từ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” – bài thơ gây được chú ý rất nhiều từ cộng đồng mạng trong và ngoài nước thời điểm Trung Quốc có những hành động gây hấn trên biển Đông. Tôi đã trả lời Ban tổ chức rằng tôi có một bài thơ khác cũng về biển đảo Việt Nam, đó là bài “Tổ quốc bên bờ biển cả” và tôi sẽ gửi tham gia dự thi. 

img

Nhà thơ tại huyện đảo Trường Sa. Ảnh: FBNV

Sau đó, Ban tổ chức phản hồi, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi đã gây hiệu ứng rất tốt đối với độc giả trong và ngoài nước, và giành được giải cao nhất của cuộc thi.

Sau đó nhiều nhạc sĩ đã lấy bài thơ làm tứ để phổ nhạc. Tuy nhiên, chỉ đến khi nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc thì bài thơ dường như mới được lấy gần như trọn vẹn lời để phổ nhạc”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho hay, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ anh đã dành hết sự quan tâm, tâm huyết tới biển đảo để rồi trào dâng những cảm xúc:

“…Thương Tổ quốc bên bờ biển cả

Mây Trường Sơn bay đến tận Trường Sa

Mây vẫn ấm trên mái nhà đất nước

Dẫu bão giông thấm giột phía Hoàng Sa…

Nhịp 8 của bài thơ đã gối đầu, lớp sóng thơ tràn về trong bài thơ. Tôi viết bài thơ bằng những hình ảnh, bằng cả những vốn sống và cả vốn tri thức lịch sử của tôi. Tôi viết với một tâm thế hào hứng khi nghĩ về Tổ quốc, về những người con đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ Tổ quốc yên bình. Khi mà những ngày này cả nước đang hướng về khu vực bãi Tư chính, những chiến sĩ của chúng ta đang ngày đêm thầm lặng hy sinh và bảo vệ", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết.

Trả lời về cái duyên giữa anh và nhạc sĩ Văn Phượng, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói: “Tôi khá bất ngờ khi nhạc sĩ Văn Phượng lại phổ nhạc nhanh đến như vậy. Chỉ trong 1 ngày nhạc sĩ Văn Phượng đã phổ nhạc bài hát “Tổ quốc”.

Tôi và nhạc sĩ Văn Phượng có duyên với nhau. Cách đây 4 năm, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, thời điểm đó tôi đã sáng tác bài thơ “Tổ quốc từ Trường Sa” và được nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc. Tôi và anh Văn Phượng đã bàn và đặt tên bài thơ cũng như tên ca khúc là “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”.

Nhạc sĩ Văn Phượng và tôi đã cùng nhau kết hợp đến ca khúc này là ca khúc thứ 4. Tôi và anh đã gặp nhau ở tư tưởng, cùng chung cảm xúc, cùng suy nghĩ về biển Đông, nên có thể nói đây là sự tri ân, tri kỷ giữa nhà thơ và nhạc sĩ”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự.

Bài thơ đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân

img

Nhạc sĩ Văn Phượng

Chia sẻ về ca khúc cũng như cái duyên của mình với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhạc sĩ Văn Phượng cho biết: “Ca khúc “Tổ quốc”  là ca khúc mới nhất tôi phổ thơ anh Nguyễn Việt Chiến. Trước đó tôi đã phổ 3 ca khúc: "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra", "Tổ quốc là tiếng mẹ", "Nghe Hịch Tướng Sĩ trên Biển đông".

Trong đó “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” đạt giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013; “Tổ quốc là tiếng mẹ” đạt giải tư sáng tác về chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội Liên hiệp Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2015 và giải B Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2017.

Tuần vừa rồi tôi tình cờ đọc bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả” của anh Chiến trên facebook của anh, rất cảm động và thấy thôi thúc quá nên viết ngay trong một buổi chiều. Bài thơ dài nhưng tôi chỉ dùng một nửa sau của bài để ca khúc cô đọng, nhưng vẫn đầy đủ tinh thần của bài thơ. Giọng ca nam khỏe, tầm cữ rộng một chút là có thể thể hiện tốt ca khúc này. Mong muốn của tôi là  muốn đưa âm nhạc vào để bài thơ hay đến được với nhiều người hơn”.

Trước câu hỏi trong rất nhiều bài thơ về biển đảo, vì sao anh lại phổ nhạc bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển cả" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhạc sĩ Văn Phượng bảo, anh và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dường như đã rất hiểu, đồng cảm với nhau về đề tài biển đảo, chủ quyền Tổ quốc.

"Thơ anh Chiến dạt dào cảm xúc, lòng yêu nước, đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân. Tất nhiên không phải bài thơ nào cũng có thể đưa nhạc vào được. Bài thơ đó phải thật sự có xúc cảm, sự đồng điệu với âm nhạc của mình nữa. Bài thơ “Tổ quốc bên bờ biển cả” nói về những thăng trầm, đau thương, mất mát, nhưng cũng đầy tự hào của người dân đất Việt. Tổ quốc từ bao đời nay và mãi mãi như con tàu vượt bão giữa trùng khơi.

“Tất nhiên là bài hát còn mang tính thời sự. Tôi cũng như bao người dân yêu nước luôn muốn thể hiện tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc mình trước kẻ thù xâm lược “Khi đất nước đối mặt với bão giông/Cả biển sóng dựng lũy thành muôn dặm…”, nhạc sĩ Văn Phượng nói.