Dân Việt

Vụ CSCĐ Nam Định cứu bé bị co giật: Người mẹ nói gì về vụ việc?

Anh Đức (tổng hợp) 06/08/2019 07:23 GMT+7
Chị Nguyễn Thị Nhung (ở TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) - mẹ cháu bé cắn tay chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) cho biết: “Đến lúc này, cháu Trần Nhật M (4 tuổi), con trai tôi đã ổn định và có thể chạy nhảy cùng các bạn”.

img

Chị Nhung mẹ cháu bé kể lại sự việc. Nguồn: Infonet

Theo Infonet: Nói về sự việc chiều 4/8 tại sân Thiên Trường, chị Nhung tâm sự: Vào chiều 4/8, 2 vợ chồng chị quyết định đưa con trai đi cùng để xem trận đấu bóng đá giữa Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai tại sân vận động Thiên Trường.

Trước khi đi và khi bắt đầu diễn ra trận đấu, cháu M hoàn toàn khỏe mạnh và không có biểu hiện bất thường. Thấy con khỏe, vợ chồng chị cũng yên tâm xem bóng đá thì đến khoảng phút 70 của trận đấu, Nhật M có biểu hiện sốt cao, lên cơ co giật, chị Nhung cho biết.

Theo chị Nhung: "Do sự việc diễn ra quá bất ngờ, mọi người lại mải xem đá bóng nên vợ chồng tôi không biết phải cứu con như thế nào. Lúc đó, tôi chỉ biết lớn tiếng hô cứu thì chỉ ít phút sau có 2 đồng chí cảnh sát PCCC tiến lại sơ cứu cho con tôi và chuyển cháu xuống bên dưới sân...". Khi con trai được đưa xuống sân và tới khu vực y tế rồi đưa lên xe cấp cứu, 2 vợ chồng chị vẫn chưa hết hoảng sợ nên mọi việc đều phải nhờ vào cơ quan chuyên môn. May mắn sau đó cháu Nhật M được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe nhanh chóng bình phục, chị Nhung nhớ lại với lòng biết ơn.

Theo chị Nhung, cách đây khoảng 2 năm con trai mình đã từng một lần bị sốt cao và lên cơn co giật. Sau đó, các bác sĩ thông báo Nhật M lên cơn co giật là do nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột. "Ngày hôm đó, khi cho ra sân con vẫn nhảy nhót bình thường, không làm sao cả. Chắc là do đông người quá và cháu bị bất ngờ nên gia đình cũng không biết làm sao, may mắn có các anh công an hỗ trợ kịp thời... 2 vợ chồng không hề biết việc đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào sân vận động là sai quy định", chị Nhung giãi bày.

img

Bức ảnh hai chiến sĩ CSCĐ cứu em bé thoát khỏi cắn lưỡi, Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Sport 5.vn).

Như Dân Việt đã thông tin, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ hình ảnh ghi lại cảnh một cổ động viên "nhí" có dấu hiệu mất ý thức, co giật được một chiến sĩ CSCĐ bế, một chiến sĩ khác thì lấy tay cho vào miệng cháu bé để tránh tình trạng nuốt lưỡi. Người cảnh sát cơ động lộ rõ gương mặt đau đớn do cậu bé vẫn cắn chặt miệng.

Hình ảnh trên được phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn - Sport 5.vn (Báo điện tử Tri thức trẻ) chụp tại sân vận động Thiên Trường (Nam Định) trong khuôn khổ trận đấu giữa chủ nhà Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai.

Sau khi hình ảnh được đăng tải, cộng đồng mạng đã dành nhiều lời khen ngợi cho hành động đẹp của các chiến sĩ CSCĐ.

Sáng 5/8, trao đổi với PV Dân Việt, đại úy Trần Đức Giảng (Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định), người đã đưa tay vào miệng để cháu bé cắn cho biết, hôm 4/8, anh và đồng đội đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trận đấu thì thấy trên khán đài có nhiều người tập trung lại một chỗ và rất lộn xộn.

Anh Giảng và đồng đội tiến sát lại khu vực trên để xem tình hình, khi phát hiện cháu bé có biểu hiện không bình thường, anh lập tức nói với mọi người đưa cháu bé xuống phía dưới khán đài để anh và đồng đội đưa ra nơi cấp cứu gần nhất. Người dân và các đồng nghiệp của anh Giảng đã hỗ trợ đưa cháu bé xuống dưới khán đài.

Khi đang bế cháu bé, anh Giảng phát hiện cháu có biểu hiện co giật nên đã lấy tay mình cho cháu bé cắn để tránh việc nuốt lưỡi. Sau đó, anh Giảng nén đau đưa cháu ra khu vực cấp cứu.

Theo đại úy Trần Đức Giảng, sau khi đưa cháu bé ra khu vực cấp cứu cho đội ngũ y tế chăm sóc, anh và đồng đội lại lập tức quay lại làm nhiệm vụ. Lúc đó, một ngón tay của anh cũng bị rớm máu do cháu bé cắn chặt.

“Tối qua sau khi làm xong nhiệm vụ, về nhà tắm rửa xong, mở điện thoại tôi và đồng đội mới biết hành động của mình và được các phóng viên ghi lại. Cũng khá bất ngờ vì bức ảnh chụp mình được cộng đồng mạng chia sẻ và ủng hộ nhiều đến vậy”, đại úy Giảng chia sẻ.

Cũng theo chiến sĩ CSCĐ này, được mọi người ủng hộ và chia sẻ nên anh cũng vui. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh đây cũng là một phần công việc của anh và những chiến sĩ Công an nhân dân khác.

“Trong các khóa huấn luyện, chúng tôi cũng được đào tạo kỹ năng sơ cứu, cấp cứu tại chỗ. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là làm sao đưa cháu bé đến nơi có đội ngũ y tế nhanh nhất. Tôi cũng rất vui khi biết cháu bé sau khi được cấp cứu đã hồi phục trở lại”, chiến sĩ CSCĐ này nói.