Sáng 6/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành phố.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 - 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải quyết những điểm khó khăn còn tồn tại trong đổi mới giáo dục.
Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020.
Theo đó, Bộ GDĐT đã trình và được Quốc hội thông qua 2 Luật quan trọng, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi). Bộ cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành giáo dục cũng chỉ ra những khó khăn, các vấn đề tồn tại chưa được giải quyết triệt để, từ đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể sau: Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Hai là giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ba là đổi mới cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Bốn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Cuối cùng là đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Nói về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GDĐT thừa nhận còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La); phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.