Chúng tôi đến thăm căn phòng trọ ọp ẹp, chưa đầy 12 mét vuông tọa lạc lại phường Long Trường, quận 9, TP.HCM của anh Nguyễn Văn Của (29 tuổi, quê Đồng Tháp) vào một buổi chiều mưa. Hình ảnh người đàn ông tay cầm chén cơm đút cho con gái lớn, thỉnh thoảng lại quay sang vỗ nhẹ vào lưng dỗ con trai nhỏ chỉ vừa 36 ngày tuổi vào giấc ngủ khi con ọ ọe trở mình không khỏi khiến nhiều người xúc động. Cách đó hơn 20 ngày, gia đình vẫn còn đang ngập tràn niềm vui khi chào đón đứa con trai mới chào đời. Vậy mà 20 ngày sau, người đàn ông góa vợ, 2 đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ vì thiếu vắng hơi ấm của mẹ hiền.
Con trai anh Của mới hơn 30 ngày tuổi đã mồ côi mẹ.
Bỏ chén cơm xuống giường, với tay lấy cho con cốc nước, anh Của chậm rãi kể về cuộc đời mình. Là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, nhà nghèo, từ năm 16 tuổi, anh Của đã theo cha mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Cả một quãng thời gian dài làm công nhân, bán thời gian từ hết xí nghiệp này qua công ti khác. Năm 2016, anh gặp và quen vợ mình- một cô gái xinh xắn cùng tuổi, là nhân viên của một thẩm mỹ viện. Không có tiền tổ chức đám cưới vì nhà quá nghèo, ấy thế mà cô gái vẫn chấp nhận gán nghĩa cùng người chồng nghèo mà không một lần mảy may đòi danh phận. Ít lâu sau đó, bé Bảo Ngọc, con gái anh chị chào đời. “Trước đó cũng có nhiều lần tôi thấy vợ ho, sốt, tôi có bảo mua thuốc uống nhưng vợ lắc đầu và bảo sớm sẽ hết thôi. Bé Bảo Ngọc được 1 tháng tuổi, vợ tôi bắt đầu phát bệnh. Lúc đầu chỉ là từng đợt viêm phổi. Sau đó thì chuyển qua lao phổi”, anh Của thuật lại.
Đứa con gái lớn với gương mặt thông minh, đôi mắt sáng và lanh lẹ.
Từ đó, mọi gánh nặng trong gia đình đổ lên vai người đàn ông với gương mặt khắc khổ và thân hình gầy nhom “Những khi vợ phát bệnh, cả đêm tôi cố thức chăm, sáng dậy phải đi làm kiếm tiền. Nhiều khi tưởng không gồng gánh nổi nữa, nhưng gia đình giờ còn mình tôi làm trụ cột, tôi không cố gắng, ai giúp vợ con tôi đây? Chỉ nghĩ như vậy tôi cố gắng gượng, chỉ cần con ngoan, vợ khỏe. Thế nhưng chưa gì vợ tôi bỏ đi mất. Sao em bỏ anh đi?”, lấy tay quệt vội những dòng nước mắt ướt đẫm đang rơi trên chiếc điện thoại cũ, bên dưới là hình ảnh hai vợ chồng được cài làm màn hình, anh Của nức nở.
Công việc bận rộn, anh Của vắt kiệt sức lao động chỉ mong đổi thêm vài mươi ngàn mua thuốc cho vợ. Nghỉ làm công nhân, anh lân la xin làm đủ mọi nghề sau đó gắn bó với công việc thợ sơn, mỗi ngày tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, đôi khi tới tối mịt mới về nhà, đổi lại 200 nghìn đồng mua sữa cho con và thuốc men cho vợ. Do đó khi vợ mang thai đứa con thứ 2, phải đến tận tháng thứ 7 hai vợ chồng mới phát hiện. “Thấy bụng vợ to ra, tôi vẫn hay hỏi hay là em có thai, Vợ nói không phải, rồi lo bận bịu công việc kiếm tiền, tôi cũng quên bẵng đi. Lúc phát hiện thai đã tận 7 tháng, bỏ không được, giữ thì sợ vợ không qua khỏi vì bị lao phổi. Tôi nhớ khoảng thời gian đấy, hầu như ngày nào vợ cũng khóc. Vợ tôi bảo: Em sợ chết”, anh Của kể lại.
3 năm sống cùng nhau, anh Của bảo vợ chồng chưa một lần lớn tiếng hay tranh cãi.
Và rồi những điều lo sợ cũng dần thành hiện thực, sinh con trai được 5 ngày, vợ anh Của phát bệnh. Con anh chưa kịp quen với hơi mẹ đã phải bú sữa pha sẵn hằng đêm. Vợ anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu, vài ngày sau chị qua đời khi chưa kịp lần cuối nhìn thấy 2 con. “Năm tôi 29 tuổi, vợ tôi cũng 29 tuổi, năm tôi 30 tuổi, vợ tôi vẫn 29 tuổi, và 30 năm sau khi các con lớn, vợ tôi vẫn 29 tuổi. Vợ tôi ra đi khi chưa một lần khoác lên người chiếc váy cưới, chưa kịp đặt tên cho con, chưa kịp một lần nghe tiếng mẹ ơi tròn trịa từ miệng con gái lớn. Tôi chỉ sợ bé trai bị nhiễm căn bệnh từ mẹ vì mấy ngày nay con cứ ho suốt”, người đàn ông trầm tư cho biết.
Vợ mất, một mình anh Của phải cáng đáng trách nhiệm của một người cha và cả một người mẹ. Ba mẹ ruột đều đã già yếu vẫn phải đi làm thuê, gia đình vợ thì từ ngày chị mất cũng ít qua lại thăm nom, không thể đi làm, anh Của và các con sống bằng sự hỗ trợ, thương yêu của bà con lối xóm. “Căn phòng trọ này giá 1,5 triệu nhưng thương tình cha con tôi, chủ nhà bớt cho 500 nghìn đồng. Cả tháng nay không đi làm được, không có một đồng trong túi, sữa, tã cũng là do bà con lối xóm cưu mang. Tôi chỉ ước mơ sao mình đừng đổ bệnh, ráng kiếm tiền mà lo nuôi nấng 2 con. Con tôi đến cả cái tên giờ còn không có, thật lòng việc nuôi dưỡng con, tôi cũng không chắc mình gồng gánh được bao lâu”, ngước nhìn 2 con, anh Của bật khóc.
Nhìn mãi vào màn hình điện thoại, bất chợt người đàn ông bật khóc.
Khẽ cựa quậy trở mình, con trai anh Của khẽ mở mắt rồi ngước nhìn cha. Bên cạnh là đứa con gái với gương mặt thông minh, lanh lẹ vẫn đang nhai từng muỗng cơm khô, thỉnh thoảng lại bập bẹ vài câu với giọng điệu ngọng nghịu. 2 đứa trẻ còn quá nhỏ để thấu hiểu được nỗi đau mất mẹ và những gánh nặng đang đổ dồn trên vai cha. Tương lai chúng mập mờ và đìu hiu như chính khung cảnh buổi chiều tháng 7 đầy mưa và nước mắt.