Dân Việt

Năm học 2019 - 2020, TP.HCM đề xuất không tăng học phí

Thuận Hải 06/08/2019 19:04 GMT+7
Chủ trương của TP.HCM là không để một học sinh, trẻ em nào phải bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí. Bước sang năm học 2019 - 2020, TP.HCM cũng đề xuất không tăng học phí.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành sáng nay (8/6), ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết, với quyết tâm không để học sinh nào bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí, TP đã triển khai các quy định về chính sách miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, tập trung hỗ trợ cho con em hộ nghèo đi học. Chính sách miễn giảm của TP, ngoài học phí, còn được áp dụng cho cả chi phí tổ chức học buổi 2 và áp dụng chuẩn nghèo của TP.

Ngay trong năm học 2019 – 2020, Sở GDĐT TP.HCM cũng đề xuất giữ nguyên mức học phí như năm học 2018 – 2019. Trước đó, từ đầu năm 2019, mức học phí nhà trẻ và THCS tại TP.HCM đã giảm. Nhà trẻ thuộc nhóm I (19 quận nội thành) học phí 200.000 đồng/tháng, nhà trẻ thuộc nhóm II (5 huyện ngoại thành) có mức học phí là 120.000 đồng/tháng. Học sinh THCS thuộc nhóm I đóng học phí 60.000 đồng/tháng, học sinh thuộc nhóm II đóng 30.000 đồng/tháng.

img

TP.HCM quyết tâm không để học sinh bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, ngành giáo dục TP.HCM đang gặp khó khăn trong lãnh đạo, quản lý vì số lượng học sinh lớn, gần 1,6 triệu em thuộc các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong khi, theo Nghị định 24, TP.HCM được một giám đốc Sở GDĐT và 4 phó giám đốc Sở nhưng Thông tư 11 chỉ đề cập có 3 vị trí phó giám đốc Sở. Điều này đã tạo áp lực lớn đối với đội ngũ quản lý ngành giáo dục ở TP.HCM.

TP.HCM cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kế toán và y tế trường học. Theo ông Liêm, đây là đội ngũ quan trọng trong sự phát triển của các trường. Việc tạm dừng tuyển kế toán và y tế trường học gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, TP.HCM đề xuất Bộ GDĐT quan tâm, nghiên cứu bổ sung biên chế đối với giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị cho các nhà trường, giúp tăng cường công tác quản lý học sinh, đảm bảo các điều kiện để học sinh phát triển cân bằng trong môi trường an toàn, thân thiện.

Còn theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tỉ lệ người học đại học ở Việt Nam đang rất thấp. Cụ thể, hàng năm có khoảng 350.000 - 370.000 sinh viên nhập học trong tổng số khoảng gần 900.000 học sinh thi THPT quốc gia. Như vậy, trung bình chỉ khoảng 40% học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia học tiếp đại học (ĐH), hay rộng hơn chỉ 20% dân số ở độ tuổi 18 học đại học.

img

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tỉ lệ người học đại học ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 28,3% trong khi con số này ở Thái Lan là 49,3%, Nhật Bản 63,6%, Hàn Quốc 93,8%, Mỹ 88,8%...

“Việt Nam cần giữ tỉ lệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình, nếu không, lao động của 8 ngành tự do dịch chuyển trong ASEAN và lao động các nước trúng thầu các công trình, các dự án sẽ di chuyển vào VN ngày càng nhiều. Người lao động nước ta không có được việc làm tại đất nước mình hay không đủ khả năng di chuyển sang các nước khác tìm việc”, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt đề xuất.

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Đạt cho rằng, việc phân luồng trong giáo dục nên thực hiện từ THCS, không kéo sinh viên học đại học ra học nghề mà nên thu hút người không học đại học vào học nghề.

“Về vấn đề học phí, trong khi học phí chưa bỏ trần (vẫn theo NĐ 86) thì Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và Bộ GDĐT tiếp tục duy trì việc thực hiện các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23 để các trường đủ điều kiện đầu tư chương trình chất lượng cao có thể áp dụng cơ chế thu học phí tương xứng, nhằm đảm bảo điều kiện kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Đạt đề xuất.

img

Tỉ lệ người học đại học ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam khẳng định, số lượng trường học ở nước ta không nhiều nếu tính trên bình quân dân số. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục phải thực hiện hợp lý, không thể cứ nói sắp xếp là sáp nhập hoặc giải thể.