Ở thế kỷ 21 này, 30 tuổi còn độc thân là điều hết sức bình thường song bạn có biết vào thời nhà Thanh, phi tần quá 25 tuổi đã bị xếp vào diện hạn chế thị tẩm.
Vào thời Trung Hoa cổ đại, đàn ông có tam thê tứ thiếp được xem là một điều hết sức bình thường nên với người nắm giữ cả giang sơn trong tay như hoàng đế, hậu cung có cả trăm ngàn mỹ nữ cũng là điều dễ hiểu.
Thời nhà Thanh, 3 năm sẽ có một đợt tuyển tú nhằm chọn ra những người con gái có tài sắc nhất. Mỹ nhận lọt được vào hậu cung đều phải trải qua rất nhiều khâu tuyển chọn ngặt nghèo.
Sau khi được vào cung, việc được coi là sống còn của các phi tần chính là làm sao để chiếm được cảm tình của hoàng đế. Việc thị tẩm của người đàn ông quyền lực này cũng phải tuân theo rất nhiều quy định ngặt nghèo.
Hậu cung đông đúc, hoàng đế còn trăm công nghìn việc nên ở triều đại này, Kính Sự phòng đã được lập ra để kiểm soát sát sao việc này. Đây sẽ là bộ phận ghi chép lại một cách cụ thể, sắp xếp hợp lý sao cho việc thị tẩm không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hoàng đế và công việc triều chính.
Sở hữu cả trăm ngàn mỹ nữ nhưng việc tuyển tú vẫn được tiến hành định kỳ là bởi có liên quan tới một điều lệ ngầm chốn hậu cung nhà Thanh. Theo đó, ở triều đại này, các phi tần từ 25 tuổi đã bị xếp vào diện hạn chế được thị tẩm.
Thời nhà Thanh, 3 năm sẽ có một đợt tuyển tú nhằm chọn ra những người con gái có tài sắc nhất. (Ảnh minh họa).
Điều này đã được ghi chép trong rất nhiều tài liệu chính sử. Theo đó, thông thường các cung tần, mỹ nữ chỉ được hầu hạ Thiên tử thường xuyên cho tới trước năm 25 tuổi. Sau cột mốc này, họ sẽ hiếm khi được đưa vào danh sách thị tẩm.
Để lý giải cho "luật rừng" này, các chuyên gia đã đưa ra 3 nguyên nhân. Đầu tiên, theo các chuyên gia độ phi tần tuổi 25 đã bị "xếp xó" là do tuổi thọ của những người cổ đại không cao. Ở thời kỳ bấy giờ, người 50 tuổi đã được xếp vào hàng cao niên. Với nữ giới, 14-15 được xem là thời điểm thích hợp để thành thân. Cũng chính bởi vậy mà 25 tuổi bị cho là thời điểm "quá lứa" cho việc kết hôn và sinh đẻ.
Thứ hai, theo các chuyên gia thì với phụ nữ thời xưa, bước qua 25 tuổi thể trạng của người phụ nữ đã có rất nhiều điểm khác biệt. Không chỉ khả năng thụ thai ít hơn, phụ nữ tầm tuổi này còn được cho là khi sinh con sẽ chịu nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn. Tuổi tác càng lớn thì khả năng đảm bảo tính mạng cho cả mẹ lẫn con càng thấp, hơn nữa ở thời kỳ này y học còn sơ sài.
Đối với Thiên tử, những thê thiếp trong cung chủ yếu đóng vai trò duy trì huyết thống hoàng tộc nên đây là lý do họ bị hạn chế thị tẩm khi đã 25 tuổi.
Vào thời kỳ này, 25 tuổi bị cho là thời điểm "quá lứa" cho việc kết hôn và sinh đẻ. (Ảnh minh họa).
Cuối cùng, lý do được các chuyên gia đưa ra là điều này nhằm đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho hoàng đế. Về sức khỏe, hoàng đế sẽ tránh được việc hoài phí tinh lực để thị tẩm những người khó có khả năng mang thai. Bên cạnh đó, điều luật ngầm này cũng được cho là sẽ tránh việc để hoàng đế phải đau buồn trước những mất mát. Không ai có thể nói trước được việc những phi tần lớn tuổi kia có thể mẹ tròn con vuông, an toàn mà sinh hạ con cái.
Nhiều người vẫn cho rằng, lọt được vào hậu cung đã là niềm ao ước của biết bao người khi được vào chốn nhung lụa, có cơ hội một bước lên ngôi mẫu nghi thiên hạ. Tuy nhiên người ta lại chẳng hề biết rằng phía sau đó là đầy những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Cổ nhân Trung Hoa xưa có câu: "Xuất thân bình thường có niềm vui giản dị của cuộc sống bình thường, xuất thân quyền quý lại có bi ai ít biết của cuộc sống quyền quý".