Dân Việt

Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Những cái chết uất ức của con cái chúng ta

Diệu Linh 07/08/2019 07:39 GMT+7
Cháu L, học sinh lớp 1 trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) đã tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe bus đón trẻ đến trường buổi sáng, đến chiều mới được phát hiện ra. Chỉ nghe chuyện, mọi người đã rùng mình đau đớn, đau cho suốt 1 ngày sợ hãi, kiệt sức mà không được cứu của đứa trẻ.

22h đêm 6/8, vật vã trong đau đớn, chờ kết luận cái chết của con, bố cháu L. nghẹn ngào chia sẻ, đây là ngày thứ 2 con anh đến trường. Buổi sáng anh đã đưa con đến điểm xe nhà trường đón, hai bố con đã tạm biệt nhau và hẹn gặp lại. Nhưng đến 16h, anh đã nghe tin con mình “biến mất”, rồi sau đó lại nghe nhà trường thông báo con ngủ quên trên xe và được cấp cứu tại Bệnh viện E. Nhưng bệnh viện cho biết, con tử vong ngoại viện. 

Người nhà cho biết, con mới nghỉ hè từ quê lên thành phố đi học 2 ngày. Và chỉ ngày thứ 2 con đã mãi mãi lên thiên đường. Để lại nỗi đau xót không gì bù đắp được cho bố mẹ, ông bà con.

Nếu con thực sự bị bỏ quên trên xe, cả một ngày sợ hãi, đói khát, kiệt sức, con sẽ đau đớn đến mức nào? Những người lớn chỉ nghe thôi đã cảm thấy nghẹt thở.

img

Hình ảnh ám ảnh vụ học sinh lớp 1 trường Gatewway tử vong

Một người cha khi đọc về vụ việc trên Dân Việt đã điện thoại cho tôi. Anh bảo anh đã từng chứng kiến việc tương tự trên xe chở con anh đến trường. Rất may bác lái xe sau khi đưa xe về bãi đã lên xe quét dọn và phát hiện trẻ bị bỏ quên sớm nên không có hậu quả gì.

"Xe đưa đón sáng sớm nên nhiều trẻ thường ngủ ngặt ngoẹo trên ghế, có khi còn rơi hẳn người xuống dưới sàn xe để ngủ. Vì thế, nếu cô giáo đưa đón học sinh, bác lái xe không để ý kiểm tra xe khi trẻ đã xuống hết thì rất có thể sẽ có trẻ bị bỏ quên ở góc nào đó" - ông bố cho biết.

Cùng ngày, tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại tại các tỉnh trọng điểm miền Bắc do Bộ Y tế chủ trì, nhiều câu chuyện về những đứa trẻ bị chó cắn, không được tiêm phòng vaccine đã tử vong. Có đứa trẻ ở Cao Phong (Hòa Bình) sau khi biết mình bị bệnh dại và sắp chết đã ôm chân bác sĩ và khóc, nói “Bác ơi! Con không muốn chết đâu!” khiến mọi người quặn thắt đau đớn. Nhưng người lớn chỉ có thể nhìn cháu đau đớn cho đến chết mà không thể cứu.  

img

Một đứa trẻ 12 tuổi ở Thọ Lộc (Thọ Xuân Thanh Hóa) bị chó cắn đến mức lột hết da đầu, mất 2 tai, được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức tháng 5/2019

Theo thống kê trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó, nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích khoảng 6.600 trường hợp (35,5%), mỗi ngày chúng ta có khoảng 9 trẻ em tử vong vì các loại tai nạn thương tích. Trong đó, nguyên nhân thanh thiếu niên tử vong, dẫn đầu là đuối nước và tai nạn giao thông.

Trẻ em bị chính chó nhà, chó hàng xóm tấn công do sự chủ quan của người lớn. Người lớn luôn cho rằng chó thân thiện, chó nhà hiền lành nên không rọ mõm, để mặc trẻ tiếp xúc gần với chó, để chó thả rông. Không chỉ bị chó cắn lây bệnh dại tử vong, thời gian qua đã có nhiều trẻ bị chó tấn công rách nát mặt, tay chân, mất bộ phận sinh dục, dù được cứu nhưng thương tích kéo dài cả đời.

Thậm chí, nhiều trẻ đã bị chó cắn đến chết. Tháng 4/2019, một bé trai 7 tuổi ở thị trấn Lương Băng (huyện Kim Động) bị đàn chó cắn chết. Gần đây nhất vào 10/7, một bé gái 22 tháng tuổi ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đang chơi ở cổng thì bị chó becgie hàng xóm cắn chết.

Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 8-10 triệu con chó, nhưng đa số thả rông và tỷ lệ tiêm phòng mới chỉ đạt 50%, còn xa mới đủ để ngăn chặn bệnh dại bùng phát. Mỗi năm vẫn có khoảng 1,5 triệu người bị chó cắn và chỉ 1/3 số đó được tiêm phòng vaccine dại. Người lớn vô trách nhiệm nên những cái chết tức tưởi, đau đớn của trẻ em khi bị dại sẽ còn tiếp diễn.

img

Biển báo muộn mằn được dựng lên tại hố công trình xây dựng sau khi hai đứa trẻ đuối nước tại thị trấn Phú Phong (Sơn Tây, Bình Định)

Trước Ngày Quốc tế thiếu nhi 1 ngày, tối 30/5, người dân phát hiện hai cháu Lê Quang Hiếu (5 tuổi), Nguyễn Tuấn Khang (4 tuổi) nằm bất động dưới hố nước công trình khu dân cư Nguyễn Thiện Thuật tại thị trấn Phú Phong (huyện Sơn Tây, Bình Định).

Theo báo cáo của UBND thị trấn Phú Phong, hố nước nơi hai cháu bé tử nạn sâu 1,1m do đơn vị thi công đào dùng để bơm hút nước đặt cống thoát nước của công trình. Qua kiểm tra, hố nước thi công công trình nhưng không có rào chắn, cắm biển cảnh báo. Sau khi xảy ra cái chết của hai cháu bé, ai đó mới đến cắm biển. 

Mỗi ngày, đều có cả chục cái chết tức tưởi của trẻ em với những nguyên nhân “bất thình lình”, "không ngờ nổi".

Mỗi ngày, đều có những đứa trẻ hớn hở tạm biệt cha mẹ ra đường vui chơi, học hành với một nụ cười tươi rói, vô tư, hạnh phúc. Các em không thể biết được những cạm bẫy chết người đang đợi mình ở phía trước. Cũng nhiều cha mẹ không thể tin được khi phải chịu đựng nỗi đau sáng còn ôm hôn con vui sướng, chiều đã đón con về trong lạnh ngắt!

Mỗi lần có trường hợp trẻ tử vong, người lớn chúng ta lại đau đớn, xót xa, thương tiếc, thậm chí rùng mình, thống hận những cạm bẫy, những kẻ thờ ơ, vô tâm, vô trách nhiệm đã gây ra cái chết của các em.

Chúng ta sợ. Sợ cho con em của chúng ta, sợ cho chính thế giới ngày càng đầy nguy cơ và cạm bẫy này.

Những kẻ trực tiếp gây ra những cái chết cho trẻ phải bị lên án, bị trừng phạt đích đáng, như cô giáo và lái xe bỏ quên trẻ, như những kẻ thả rông chó mèo, cha mẹ thiếu trách nhiệm hay kẻ đào những hố nước sâu thiếu cảnh báo. Chúng ta không chấp nhận những lời xin lỗi và đổ lỗi cho sự vô tình, vô tâm. Vì mọi lời xin lỗi không thể đem lại ánh sáng cho đôi mắt trong veo đã khép, không làm sống lại trái tim bé bỏng đã ngừng đập.

Nhưng không chỉ có những kẻ đó phải chịu trách nhiệm. Mà tất cả những người lớn chúng ta, những người đang khóc than và oán giận đều có trách nhiệm trong những sự vô tình, vô tâm và vi phạm pháp luật này.

Bởi vì, chúng ta đã hơn một lần nhắm mắt làm ngơ cho sự sai nguyên tắc, bất quy trình. Chúng ta cũng đã từng thỏa hiệp với lỗi lầm vì nghĩ rằng chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta đã ngại va chạm, sợ đấu tranh với những thói xấu. Vì chúng ta luôn tự kỷ ám thị bản thân: “tai nạn ở xa chúng ta, không thể xảy ra với con cháu chúng ta”…

Chúng ta lại thỏa hiệp với thói xấu, lại dung dưỡng lòng tham, lại tặc lưỡi cho tội ác, thỏa hiệp với sự đớn hèn, dễ dãi của bản thân…

Những người lớn chúng ta đều có lỗi, vì đã xây dựng nên một thế giới đầy cạm bẫy chết người cho con cháu chúng ta hôm nay.