Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau tập trung tích cực chữa trị cho các đồng chí bị thương tại bệnh viện. Giao chủ tịch UBND tỉnh Cái Nước kết hợp Công an tỉnh; Cục thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những người bị thương, quan tâm và kịp thời hỗ trợ đối với gia đình những người bị thương có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Công an khẩn trương chỉ đạo điều tra, kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiên quyết cưỡng chế thi hành đối với vụ việc trên theo đúng kế hoạch.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: CTV
Cũng trong chiều nay (6/8), ông Đặng Văn Vũ - Chi cục phó Chi cục thi hành án huyện Cái Nước, hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Khi bước vào nhà, tôi đã ngửi được mùi xăng, thấy ông Phạm Hoàng Kiếm (SN 1959, chủ nhà) chĩa dao nhọn phía sau lưng, nên dặn anh em cẩn thận, nhưng vẫn không thoát nạn”.
“Tình hình lúc đó rất hỗn loạn, nhiều người bị xăng dính vào áo bốc cháy, mạnh ai người nấy chạy ra ngoài. Tôi bị cháy từ ngực trở lên mặt, nên nhảy xuống ao nước sát nhà dập lửa. Riêng những người khác được anh em dập lửa, đưa vào bệnh viện cấp cứu”, ông Vũ cho hay.
Anh Vũ đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Ảnh: CTV
Anh Lê Minh Tiến (dân phòng xã Thạnh Phú, một trong 7 nạn nhân) cho biết: “6 người trong nhà ông Kiếm có mặt lúc đó cố thủ trong buồng ngủ. Do căn nhà không có cửa sau, lại nhỏ, nên anh em làm nhiệm vụ (khoảng 30 người) bước vào trong phòng khách, một số đứng ngoài hành lang. Khi anh Vũ đọc quyết định cưỡng chế, người thân ông Kiếm hất nguyên thau xăng vào chúng tôi, rồi bật lửa. Sự việc diễn ra rất nhanh, nên không ai tránh kịp”.
Ông Bùi Đức Văn - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: "Các nạn nhân bị bỏng từ 8-0% cơ thể (bỏng độ 1 và 2). Riêng một cán bộ bị bỏng nhiều đã được chuyển lên TP.HCM điều trị".
Trước đó, như đã Dân Việt đưa tin, sáng 7/8, nhiều người dân ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú hốt hoảng chứng kiến việc đoàn cán bộ thi hành án cưỡng chế giao đất của huyện bị tạt xăng đốt, khiến nhiều người bị thương phải nhập viện. Theo báo cáo ban đầu của UBND huyện Cái Nước, khoảng 9h cùng ngày, đoàn cưỡng chế tiến hành làm việc mời ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến để công bố quyết định cưỡng chế, nhưng ông Kiếm và bà Hiến không thống nhất. Đoàn cưỡng chế tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch. Trong quá trình bảo vệ đoàn cưỡng chế, lực lượng làm nhiệm vụ đã bị các đối tượng có liên quan (đang xác minh làm rõ) dùng xăng, dao,… làm hung khí tấn công, chống đối quyết liệt. Hậu quả, 7 người bị thương, trong đó có 3 cán bộ công an, 3 cán bộ lực lượng thi hành án và một cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Phú. Lực lượng chức năng nhanh chóng đưa những người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau (6 người) và Bệnh biện ở TP.HCM (1 người). Sau đó, Công an huyện Cái Nước đã ổn định tình hình và mời 4 đối tượng về làm việc, gồm: Phạm Hoàng Kiếm; Lê Thị Hiến (SN 1967, vợ ông Kiếm); Phạm Thị Phiếm (SN 1990, con gái ông Kiếm) và Lê Thành Lập (SN 1949, anh vợ ông Kiếm), cùng ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, để phục vụ công tác điều tra. Riêng Phạm Văn Nguyên (con trai ông Kiếm) và em rể lợi dụng lúc hỗn loạn sau khi tạt xăng, đốt cán bộ đã trốn, hiện chưa bắt được. Trao đổi với Dân Việt, đại tá Đỗ Chí Công - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, thông tin: "Khi anh em đang thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật thì xảy ra vụ việc. Họ dùng xăng chuẩn bị sẵn, rồi tạt vào người những người thi hành công vụ. Hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ". |