Hiện, anh Sơn đang sở hữu khoảng 250m2 diện tích nuôi cá đĩa. Anh còn thuê thêm 1,5ha để ương nuôi các loại cá kiểng khác nhau. Năm 2018, doanh thu từ cá kiểng của anh là 5 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 hộ nuôi, ương cá ở trong tỉnh và trên 10 cơ sở ở các tỉnh lân cận.
Từ trước đến nay, để cá kiểng mau lớn, người nuôi cho cá ăn trùng chỉ, hay hỗn hợp trùn chỉ, tim bò, tảo… xay nhuyễn. Tuy nhiên, trùng chỉ thường hay mang mầm bệnh nên dễ lây lan sang cá.
Ngoài ra, theo anh Sơn, người nuôi cá kiểng còn dùng thức ăn có sẵn trên thị trường nội địa, nhưng cá dễ bệnh, chậm lớn, tỷ lệ cá bột sống thấp… Nếu nuôi cá kiểng bằng thức ăn của Nhật, tỷ lệ cá bột sống khoảng 90%, nhưng đến khoảng 2 tháng tuổi, cá lớn chậm lại.
Nhằm khắc phục những nhược điểm của thức ăn cho cá kiểng, là một cử nhân đại học nông lâm, và sau vài năm quan sát sự sinh trưởng của cá, anh Sơn đã nghiên cứu cho ra loại thức ăn mang nhiều ưu điểm, như: cho ra cá đẹp, tỷ lệ sống cao, giá thành giảm, kéo chi phí nuôi xuống còn 1/2 so với bình thường. “Do còn trong quá trình hoàn chỉnh nên tôi chưa thể công bố sản phẩm thức ăn này”, anh bộc bạch. Ảnh: Anh Sơn kiểm tra cá đĩa sau khi nuôi bằng thức ăn tự chế.
Nhiều người nuôi cá kiểng cho biết, đang rất mong dùng thử sản phẩm thức ăn cá kiểng do anh Sơn tự chế.