Từ nhiều tháng nay, Quảng Ngãi xuất hiện các ca bệnh với triệu chứng như dày sừng, lở loét lòng bàn tay, bàn chân, gan bị tổn thương và sau đó tử vong. Điều đáng lo ngại, không chỉ tổn thương dày sừng ở lòng bàn tay, bàn chân mà nhiều bệnh nhân còn bị nhiều vết lở loét trên miệng, lưng và bụng.
Bộ Y tế cho biết, bệnh này gây tổn thương da và nhiễm độc gan chưa rõ nguyên nhân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi
Việc xác định ca bệnh trên khi khám lâm sàng phát hiện tổn thương cơ bản là dát đỏ, dày sừng, khô da ở bàn chân, bàn tay, đầu và kẽ ngón, nhất là vùng tỳ đè và rìa lòng bàn tay bàn chân; bờ thương tổn có viền đỏ tím; sau một vài ngày thương tổn bong vảy ở giữa để lại viền vảy khô ở xung quanh; có thể có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt và có cảm giác tê bì ở bàn tay bàn chân; các xét nghiệm cận lâm sàng như men gan (SGOT, SGPT) trong máu tăng cao.
Bộ Y tế cho biết, các đối tượng nguy cơ tiến triển nặng bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người già trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người lớn mắc các bệnh mạn tính. Bộ Y tế cũng lưu ý, đối với bệnh ở thể nhẹ, điều trị tại chỗ tổn thương da bằng cách bôi các thuốc như thuốc chống viêm (các loại kem corticoids (Fucicort, Beprosone), bôi tổn thương buổi sáng; thuốc bạt sừng bong vảy: Mỡ salicylic 5%, bôi buổi tối; kem làm dịu da: Vaseline, hoặc kem kẽm, bôi ngày nhiều lần khi da khô.
Đối với bệnh ở thể nặng, Bộ Y tế đề nghị chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hoà để được điều trị theo hướng dẫn đối với những bệnh nhân viêm gan nặng hoặc suy gan và hội chẩn khi cần thiết.
B.T.K