Dân Việt

Không đâu như xứ này: Trồng lan, rau mà bỏ túi 400-700 triệu/năm

Trần Khánh 12/08/2019 12:58 GMT+7
Trong 5 huyện ngoại thành TP.HCM, Củ Chi là huyện đầu tiên đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) cấp xã và là huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM.

Huyện Củ Chi bắt đầu xây dựng NTM từ năm 2009 tại xã điểm của Trung ương là xã Tân Thông Hội, sau đó triển khai đại trà trên 19 xã còn lại. Đến năm 2015, 20/20 xã và huyện và được UBND thành phố và Trung ương công nhận là xã và huyện NTM.

img

Huyện Củ Chi hoàn thành các tiêu chí cấp xã và huyện NTM.

Đến nay, sau 10 năm xây dựng NTM, trên địa bàn xã đã có nhiều thay đổi tích cực. Có thể kể đến những thành quả cụ thể như sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đường giao thông và vận động người dân sử dụng nước sạch.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2019 tăng bình quân 8,12%. Nông sản trên địa bàn có quy mô lớn về số lượng. Sản lượng nông sản cung cấp hàng năm khoảng 208.000 tấn rau, 8.000 tấn thủy sản các loại, 110.000 tấn sữa bò tươi và 35.000 tấn thịt các loại; 22,4 triệu cành lan mỗi năm.

img

Mô hình trồng lan cho doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm

Doanh thu bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng mô hình trồng lan cho doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm; rau an toàn khoảng 400 đồng/ha/năm, hoa kiểng 600 đồng/ha/năm.

Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã phát triển tương đối đồng bộ, đã kết nối liên thông các tuyến đường từ xã đến huyện, phục vụ tốt hơn cho việc sản xuất, đi lại của người dân, vận chuyển nông sản và vật tư phục vụ sản xuất.

Chương trình nước sạch được triển khai từ năm 2015. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có gần 118.000 hộ dân sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 99,2%.

img

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ.

Đánh giá chung, ông Đức cho biết công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được quan tâm, đã làm khơi dậy tính tích cực của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, theo đó bà con đã tham gia hiến hơn 760.000 m2 đất để thực hiện các công trình nông thôn.

Quá trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với nhu cầu đa dạng của thị trường thành phố, khu vực xuất khẩu được phổ biến nhân rộng.

img

Hơn 99% hộ dân Củ Chi sử dụng nước sạch

Tuy nhiên, ông Đức cũng đánh giá chương trình xây dựng NTM trên địa bàn chỉ mới đạt được một số kết quả bước đầu. Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục, đổi mới để phát triển tương xứng với tiềm năng của thành phố. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm đổi mới; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đảm bảo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan nông thôn chưa thật sự xanh sạch đẹp.

“Đây là các vấn đề mà xã huyện cần tập trung, có giải pháp cụ thể để giải quyết trong năm 2019”, ông Đức nhấn mạnh.

img

Lưới điện phủ khắp địa bàn nông thôn huyện

Ông Lê Thanh Liêm -  Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các huyện không làm lấy lệ để đạt các tiêu chí mà xây dựng đời sống của bà con nông thôn tốt lên mới là mục tiêu cốt lõi. Nhưng mục tiêu này thể hiện cụ thể qua các tiêu chí.

Trước đó, sơ kết giai đoạn nâng chất tiêu chí NTM 2016 - 2017, nhiều công việc triển khai khá chậm. Nhờ sự đốc thúc và vào cuộc quyết liệt, “đất thép thành đồng” Củ Chi đã đạt được những kết quả đáng mừng.

img

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Củ Chi tiếp tục giữ vững các tiêu chí

"Thành phố đặc biệt ghi nhận tâm huyết của bà con nông dân để phấn đấu xây dựng NTM thành công, trong đó có những việc làm cụ thể như hiến đất làm đường và công trình nông thôn”, ông Liêm nói.

Đánh giá cao những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân huyện đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Củ Chi cần tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt và nâng chất lên mức cao hơn, thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng và phát triển nông thôn.