Gần tới chợ 'Chồm hổm', một màu đỏ rực đến nao lòng. Màu đỏ của một loại cây lạ được trồng trên đoạn đường kéo dài chưa được 100m nhưng đã thu hút khá nhiều du khách tham quan...
Từ cây trân châu ...
Chúng tôi ghé vào nhà có nhiều loại cây này. Ông Nguyễn Văn Vũ (58 tuổi, chủ nhà) thân thiện mời chúng tôi dạo một vòng quanh khu vườn. Vườn nhà ông không rộng. Ông chỉ trồng nhiều nhất một loại cây. Chúng tôi tỏ ý thắc mắc, ông bắt đầu câu chuyện.
Con đường sirô.
'Năm 1982, tôi về đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) thăm người bác ruột. Bác dẫn tôi lên núi chơi. Núi không cao nhưng hoang sơ. Cây dại mọc đầy. Trong số cây dại đó, có một loài cây đang ra trái màu đỏ đẹp vô cùng. Đến gần, bác với tay hái cho tôi một chùm và nói, con ăn thử đi ngọt lắm.
Tôi chưa vội ăn, chần chừ hỏi, trái này là trái gì vậy bác? Bác cười, con cứ ăn đi. Ăn xong là biết tên của nó liền. Tôi chọn một trái màu đỏ bầm cho vào miệng. Vừa nhai, vị chua thật chua làm cho tôi rợn người. Dường như trong đời - dù đã ăn nhiều trái chua kể cả chanh nhưng chưa có trái nào chua đến như thế. Tôi nhả ra. Mặt tôi chau lại, người trân lên', ông Vũ nhớ và kể lại.
Đã qua mùa nhưng sirô trong nhà ông Vũ vẫn nhiều quả.
'Bác tôi cười ha hả thật lớn. 'Con biết tên nó chưa? Con trân mình, chau mày chau mặt thì gọi là cây trân chau. Mình bỏ thêm dấu mũ cho cái tên nó đẹp hơn, cây trân châu con nhé'. Thì ra tôi đã bị bác lừa. Cú lừa của bác không mang dụng ý xấu mà cố tạo cho tôi một kỷ niệm đẹp. Sau lần đó tôi lên đường nhập ngũ.
Năm 2005 tôi phục viên về nhà. Tôi trở lại Long Sơn thăm bác. Lần này không gặp bác. Bác đã mất. Tôi đốt nhang khấn vái bác rồi trở lên núi tìm về dĩ vãng.
Cây trân châu vẫn còn cho trái. Màu đỏ của trân châu khá đẹp khiến cho tôi nhiều lúc ngẩn ngơ. Tôi mê vẻ đẹp của trân châu và cũng nhờ có trân châu giúp tôi nhớ bác. Tôi dạo quanh cố tìm cho được vài hạt đem về nhà gây giống.
Thấy vẻ đẹp của trái trân châu, nhiều khách thăm quan tìm đến, chụp ảnh.
Tôi trồng 2 cây trước cổng. Cây lớn nhanh. Chỉ sau hơn một năm, cây ra hoa. Từ hoa, những trái xanh xuất hiện rồi chín thành màu đỏ rộ lên. Đẹp lắm. Tôi nghĩ sao mình không nhân giống rộng lên, trồng dọc hàng rào tạo thành con đường trân châu đỏ rực đẹp hơn bất cứ nơi nào.
Nghĩ là làm. Năm 2013 tôi ươm hột thành cây con. Tôi trồng ở phần đất nhà và cho các anh chị em tôi gần đó cùng trồng tạo ra một đoạn đường làng đặc biệt không nơi nào có được.
Tiếng lành đồn xa, khách các nơi tụ về chụp ảnh ghi hình làm kỷ niệm. Lượng khách ngày càng đông khiến cho tôi động não. Sao mình không chế biến trái trân châu ra một sản phẩm phục vụ khách?'.
... Đến cây sirô
Trân châu là loại cây rừng rất dễ trồng và ít sâu bệnh. Tán cây không lớn có thể trồng trong chậu vẫn cho kết quả tốt. Cũng không cần tốn công chăm sóc nhiều, cây vẫn cho ra hoa kết trái quanh năm. Mùa rộ nhất là vào tháng Năm âm lịch.
'Già sử, suốt con đường làng đi vào ấp Giồng Lãnh 1 và 2 dài hơn 1km nhà nào cũng trồng sẽ cho một quang cảnh vô cùng ấn tượng. Nhưng thôi' - ông Vũ nói tiếp - 'mới bao nhiêu đây mà khách đến đã nhiều làm tôi vô cùng lo lắng. Tôi bắt đầu nghĩ đến một sản phẩm từ trái trân châu'.
Con trai ông Vũ và những chế phẩm từ trái trân châu.
Ông Vũ nói tiếp: 'Vị chua, chua hơn bất cứ loại trái nào nên tôi nghĩ đến chế phẩm sirô. Trái trân châu chín bóp lấy nước trộn với đường thêm một chút muối nấu lên. Đơn giản vậy thôi. Chỉ cần rót ra ly thêm một ít nước là có một ly sirô có màu đỏ từ trái sirô, có vị chua chua ngọt ngọt rất hợp khẩu vị nhiều người ...
Từ đó, ai đến đây đều được thưởng thức một ly sirô. Dần dần tên trân châu không còn ai biết đến. Cây trân châu đầy ắp kỷ niệm ngày nào được bà con gọi bằng cái tên trìu mến, cây sirô'.
Câu chuyện đến đây phải tạm dừng. Nhiều khách đang vào. Ông Vũ bận rộn đón tiếp. Lần này, khách đến từ TP HCM, gồm các trai thanh gái lịch. Nhiều tiếng cười rộn lên. Máy ảnh, điện thoại đua nhau bấm...
Ông Nguyễn Văn Vũ, người đem cây sirô từ Vũng Tàu về Gò Công.
Một chiếc bàn được đặt trước nhà. Nhiều chai sirô, nhiều lọ sản phẩm được bày lên. Người con trai của ông Vũ lần lượt giới thiệu, nào là mứt, kiệu chua, rượu được chế biến bằng nguyên liệu là trái sirô. Anh nói, mấy năm trước có một vị khách là Việt kiều từ Mỹ về đây tham quan. Vốn là một đầu bếp, ông ta đã góp ý và chỉ dẫn ba tôi chế biến ra các sản phẩm này...
Hiện nay cả ấp Giồng Lãnh 1 chỉ có khoảng 100 cây sirô. Riêng khu vực quanh nhà ông Vũ có được chừng 50 cây. Ông đang tiếp tục ươm để có thể cung cấp cho những ai cần đến. Riêng ở đảo Long Sơn, có thời gian cây này gần như tuyệt chủng. Nhiều người dân Long Sơn phải tìm đến ông để xin hột, mua cây về gây lại.
Chỉ mới 6 năm, ông Vũ cho biết, nhờ có cây sirô kinh tế gia đình ông cải thiện rất nhiều. 3 đứa con trai của ông cũng nhờ đó mà có điều kiện vươn lên.
Ông Nguyễn Văn Đổng, Trưởng ấp Giồng Lãnh 1 thừa nhận những thành quả mà ông Vũ đạt được từ cây sirô. Ông nói, cây sirô hiện còn lạ với người dân nơi đây.
Tuy nhiên, qua những gì mà ông Vũ làm được chúng tôi tin cây này sẽ được nhân rộng. Lúc đó, ấp Giồng Lãnh 1 không những có một quang cảnh đẹp thu hút du khách mà bà con còn có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, 'đến ....