Dân Việt

Những "cái lạ nóng hổi" giữa cộng đồng người A Rem tỉnh Quảng Bình

Ngô Thanh Long 11/08/2019 09:00 GMT+7
Với những ai gắn bó cùng tộc người A Rem ở xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chỉ cần một thay đổi nhỏ trong cuộc sống của họ cũng dễ dàng nhận ra ngay. Thế nên bản thân chúng tôi, bẵng đi thời gian 6 tháng mới quay lại thăm đồng bào, thấy rất nhiều điều lạ đang xảy ra.

Nhiều ngôi nhà mới mọc lên

Tộc người A Rem hiện tại phát triển ổn định với hơn 100 hộ dân, trên 500 khẩu, định cư tại bản Km39 đường 20-Quyết Thắng. Nếu là người lần đầu tiên đến thăm xã Tân Trạch, chúng ta sẽ dễ ngỡ ngàng trước một bản làng được quy hoạch rất bài bản, khoa học.

Giữa bốn bề lèn đá núi cao vời vợi, từng ngôi nhà sàn nhỏ lợp tôn màu đỏ bám sát nhau chạy dọc những trục đường bê tông rộng thoáng. Phía giữa trung tâm bản hình thành một hồ nước cộng đồng dùng chung.

img

Những ngôi nhà sàn mới của đồng bào A Rem đã làm thay đổi diện mạo của bản Km39.

Tháng 7 miền Trung nắng rát mặt, đi đâu cũng thấy khô cằn, đất đai nứt nẻ, vậy mà ngược lên với đồng bào A Rem, bản làng vẫn ngát xanh. Để có được một bản làng kiểu mẫu như hiện tại, người A Rem phải mất một hành trình dài gần bằng cả đời người, từ hang đá bước ra, từ hoang dã đứng lên chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Lầu bảo: “Năm ni thuận hòa, cái bụng người A Rem đón nhận thêm nhiều niềm vui”. Ông dẫn tôi đi thăm hai công trình lớn của xã đang khởi động là sân vận động trung tâm trị giá 1,2 tỷ đồng đã thành hình hài. Cao hơn phía trên sân vận động là công trình Nhà văn hóa cộng đồng, nhà nước bố trí nguồn vốn trước mắt được 3,2 tỷ đồng, đang hoàn thiện mặt bằng.

Đinh Lầu bấm đốt ngón tay tính toán thêm với tôi: “Rứa là cả xã làm được hơn 6 km đường bê tông. Nhưng hạnh phúc nhất khi mấy tháng ni rất nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Người A Rem được sống trong những ngôi nhà ấm cúng, khang trang”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ dẫn tôi thăm một vòng quanh bản. Quả thật, có rất nhiều ngôi nhà mới đẹp đến ngỡ ngàng, còn thơm cả mùi vôi vữa. “Ngoài 11 ngôi nhà đại đoàn kết của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ, khánh thành nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, đội ngũ cán bộ cốt cán xã kêu gọi sự giúp đỡ từ các tập đoàn SunGroup, VinGroup, Trường Hải Auto cất thêm 21 nhà ở nữa cho đồng bào, bình quân khoảng 150 triệu đồng/nhà”.

“Chúng tôi cố gắng hết nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc làm nhà ở cho đồng bào, khoảng 35 căn nữa. Ngoài vốn hỗ trợ từ nhà nước, chúng tôi xin thêm vốn xã hội hóa ở bên ngoài. Mục đích giúp bà con thực sự an cư, lạc nghiệp”, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm. Những người nhận hỗ trợ nhà mới đợt này hoàn cảnh đều rất khó khăn, như: Đinh Chăm có 2 con nhỏ bị bệnh máu trắng; Y Hon chồng bị mất; Đinh Na vợ mất sớm, một mình nuôi 5 con nhỏ; Y Hơn mồ côi cả cha lẫn mẹ…

Rào vườn, nuôi bò, chăn dê

Tài sản lớn nhất của đồng bào A Rem xã Tân Trạch tính từ thời điểm rời hang đá đến hiện tại chính là rừng huê diện tích gần 8,5 ha, tuổi đời gần 20 năm chẵn. Nhưng hiệu quả kinh tế của rừng huê chắc chỉ khẳng định được ở thì tương lai, còn hiện tại bà con phải kiếm kế sinh nhai hàng ngày bằng cách nhận chăm sóc, bảo vệ rừng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng và làm rẫy.

Khu vực rẫy cách xa bản làng, năm nay lúa rẫy chuẩn bị cho thu hoạch thì khỉ đàn tràn qua, phá sạch. Người A Rem thất thu lúa rẫy. Không chấp nhận cái bụng phải đói vì thiếu ăn, một nhóm trai bản gồm Đinh Cất, Đinh Hàn, Đinh Xứng, Đinh Chai, Đinh Sơn, Đinh Hà… mạnh dạn bàn nhau rào vườn, trồng cây, chăn nuôi.

Hiệu quả ban đầu trông thấy, rau quả trong vườn thôi không bị lợn, trâu bò vào phá hoại. Môi trường sống cũng được cải thiện, phía dưới chân nhà sàn của những gia đình này không còn cảnh súc vật chen chúc nhau, “sống chung với người".

img

Người A Rem rào vườn trồng cây, phát triển chăn nuôi.

Sau rừng huê, tài sản đáng kể thứ hai của người A Rem là đàn bò với 130 con. Chủ tịch UBND Tân Trạch Đinh Lầu chia sẻ: “Mấy năm nay, đàn lợn của bản thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, số lượng giảm dần. Riêng đàn bò thì không, với điều kiện chăn thả tự nhiên trong một diện tích rộng lớn nên chúng có cơ hội tăng trưởng”.

“Cái lạ” cuối cùng là chúng tôi thấy sự xuất hiện của đàn dê dọc theo các tuyến đường bê tông ở bản Km39, chúng thảnh thơi, hồn nhiên gặm cỏ, thân thiện dụi đầu vào dân bản ngang qua. Đinh Cất-người tiên phong rào vườn trồng cây, nuôi bò, chăn dê bảo: “Rẫy lúa xa thì khỉ phá hết, bà con đành quay về bản làm ăn thôi. Mình thấy thích dê, mua về nuôi thử xem. Ai ngờ, chúng hợp với đất này”.

Từ những con dê dân bản nuôi bột phát ban đầu, đến nay, đàn dê tăng lên trên 50 con. Sắp tới, huyện Bố Trạch sẽ mở thêm mô hình nuôi dê sinh sản, hỗ trợ cho 10 hộ đồng bào thí điểm với số lượng 20 con nữa.

Đó là những “cái lạ” mà chúng tôi trải nghiệm trong cộng đồng người A Rem anh em nhân chuyến công tác ngược theo đường 20-Quyết Thắng. Thấy ấm lòng khi sự cố gắng không mệt mỏi của đồng bào cũng sắp đến ngày cho quả ngọt.

Năm 1956, lần đầu tiên các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện tộc người A Rem trong các hang đá Bồng Cù, Hung Va, So Đũa... cheo leo lưng chừng núi đá vôi, chỉ vỏn vẹn 18 nhân khẩu.

Năm 2003, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) có chuyến thăm đồng bào A Rem. Bằng tất cả tấm lòng, ông vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trên 3 tỷ đồng xây dựng 47 ngôi nhà mới cho đồng bào. Mốc thời gian này trở thành một bước ngoặc lớn với người A Rem, dân số toàn bản tăng lên 194 khẩu.

Về tư liệu sản xuất, người A Rem được giao bảo vệ 4.000 ha rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, mỗi năm kinh phí hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng. Diện tích đất sản xuất đã trích giao 245 ha, trong đó có 186 ha đất trồng lúa rẫy.

Hơn 60 năm rời hang đá trở về trong vòng tay yêu thương của đại gia đình 54 dân tộc anh em, tộc người A Rem có những thay đổi căn bản trong lối sống, trong tư duy cùng những định hướng phát triển bền vững. Đây chính là nền tảng vững chắc xây nên ngay chính trong cộng đồng, đủ sức giúp người A Rem thoát khỏi đói nghèo.