Đã 5 ngày sau vụ việc cháu bé lớp 1 Trường phổ thông liên cấp Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) bị tử vong, dư luận dường như vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo thông tin ban đầu được Công an quận Cầu Giấy công bố vào buổi họp báo ngày 7/8, cháu L.H.L được phát hiện vào khoảng 16h chiều, tử vong trên xe trước khi đưa vào viện.
Trong khi dư luận chưa kịp lắng thì ngày 9/8, tại Trường Mầm non Tuổi Thơ (Duy Tiên, Hà Nam), 3 trẻ từ 3 tới 5 tuổi đã bị bỏng nặng do cô giáo sử dụng cồn đổ ra mâm nhằm tạo tình huống cháy nổ trong buổi học về kỹ năng thoát hiểm. Gió thổi mạnh khiến cồn bay vào các em học sinh, gây ra tai nạn thương tâm.
3 trẻ tại Trường Mầm non Tuổi Thơ (Duy Tiên - Hà Nam) bị bỏng nặng do cô giáo đốt cồn trong lớp.
Trên đây là những ví dụ đáng lo ngại về sự an toàn của trẻ em khi tham gia học tập tại môi trường trường học nói riêng, và những lỗ hổng trong việc đào tạo kỹ năng phòng chống tai nạn cho trẻ nhỏ. Nếu những đứa trên được học tập trong một môi trường an toàn, được chủ động tiếp cận các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, những vụ tai nạn như trên có còn xảy ra với mức độ thường xuyên hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH - cho rằng, sự an toàn cho trẻ em trong trường học tại Việt Nam đã được ghi rõ cụ thể trong nhiều chương trình, quy định khác nhau do Bộ GDĐT ban hành.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH.
"Từ những năm 2006, khi tôi còn giữ chức vụ Giám đốc Chương trình Quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trong môi trường trường học, tôi có làm việc rất chặt chẽ với Bộ GDĐT, cụ thể là Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục mầm non..., mục đích là xoay quanh vấn đề tìm ra giải pháp cho sự an toàn của học sinh trong trường học.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích (TNTT), gây thương vong cho nhiều trường hợp. |
Muốn trẻ em có được sự an toàn trong nhà trường thì điều tiên quyết là phải dạy cho trẻ em những kỹ năng tự thoát thân, thoát hiểm khi gặp những tình huống nguy hiểm, đe dọa tới sự an toàn của bản thân. Tiếp đó là triển khai những chương trình dạy bơi cho học sinh trong trường học, để trẻ em có kỹ năng bơi lội phòng tránh đuối nước.
Bộ GDĐT cũng ban hành quy định về Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích ngay trong năm 2007. Trong đó, Trường học an toàn nghĩa là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh được phòng, chống và giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn", ông An cho hay.
Những quy định, chương trình đó là một hướng đi rất đúng, tuy nhiên bác sĩ An chia sẻ, có phát huy được tác dụng của nó hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai từ trên xuống như thế nào.
Theo ông An, cần làm rõ 3 yếu tố khiến cho những chương trình kể trên chưa thực sự phát huy được điểm mạnh trong trường học:
Thứ nhất là học sinh ở Việt Nam phải đối mặt với một chương trình học quá đồ sộ, nhồi nhét. Việc học văn hóa chiếm lĩnh phần lớn thời gian các em có mặt tại trường học. Điều này dẫn tới việc học kỹ năng bị xem nhẹ, câu nói "học mà chơi, chơi mà học" không còn đúng. Trẻ em không có thời gian để học các kỹ năng sống khác.
"Trong chương trình giáo dục còn thiếu một chương trình giảng dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, biết cách thoát hiểm, phòng chống xâm hại và bạo lực... Đây là một lỗ hổng từ trên Bộ GDĐT xuống, ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ em trong trường học" - ông An nhấn mạnh. |
Thứ hai, giáo trình trong nhà trường không có giáo trình về kỹ năng sống. Mãi tới lớp 5 thì mới có lồng ghép một số bài học dạng "thuộc lòng" về phòng chống đuối nước..., không phải là bài dạy về kỹ năng.
Thứ ba, hệ thống giáo viên không có kỹ năng, vì vậy khó có thể truyền đạt được cho các em học sinh? Dạy kỹ năng thoát hiểm không có nghĩa là mời người lính phòng cháy chữa cháy về trường để dạy trẻ em cách dùng bình cứu hỏa dập một đám lửa lớn, đó là những cách dạy trẻ em thoát hiểm sai lầm.
Các cô giáo tại Trường Mầm non Tuổi Thơ có chứng chỉ phòng chống cháy nổ, được đào tạo trong chương trình với Công an tỉnh, vì sao các cô lại không thể nắm được một điều sơ đẳng là không được đốt cồn trong trường mầm non, chưa nói tới việc đóng cửa sổ.
Những câu chuyện về trẻ em đuối nước, trẻ em bị ngã từ nhà cao tầng, trẻ em bị xâm hại, bạo lực... đều xuất phát từ việc trẻ em không có kỹ năng. Việc sử dụng giáo cụ tràn lan, thiếu hiệu quả cũng gây hậu quả khôn lường, học sinh vào phòng thí nghiệm gây cháy nổ, giáo viên đốt cồn trong lớp học mầm non cũng là những tai nạn thương tâm xuất phát từ việc không có kỹ năng sử dụng giáo cụ trong môi trường trường học.