Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn mà chúng ta vẫn quen thuộc qua sách truyện và phim ảnh, thực chất đều được dựa trên những hình mẫu có thật (Ảnh: Disney)
Ngày xửa ngày xưa, trong nhà bảo tàng của một ngôi làng cổ xinh xắn tại Đức, có một tấm bia mộ dù đã lâu đời nhưng lại vô cùng quý giá.
Đó chính là bia mộ của nam tước phu nhân Sophia von Erthal, người được cho là nguồn cảm hứng để anh em nhà Grimm chắp bút cho câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn bất hủ.
Bia mộ của bà mới đây đã được đem ra trưng bày tại bảo tàng Diocesan tại Bamberg, phía Nam nước Đức. Bảo vật này được hiến tặng từ một gia đình đã may mắn tìm thấy và bảo quản nó.
Ông Holger Kempkens, Giám đốc bảo tàng Bamberg cũng đã khẳng định cuộc đời của phu nhân Sophia “chính là hình mẫu ngoài đời của nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ Grimm.” Vị phu nhân này sinh ra và lớn lên trong một pháo đài ở thị trấn Lohr am Main, cách Bamberg 100 km về phía Tây.
“Những câu chuyện truyền miệng về cuộc đời phu nhân Sophia vốn đã được phổ biển rộng rãi từ đầu thế kỷ 19,” ông Kempkens cho biết, “Và anh em nhà Grimm đã ghi chép lại toàn bộ những câu chuyện mà họ nghe được, để biến chúng thành một tác phẩm bất hủ.”
Chân dung nam tước phu nhân Sophia von Erthal, người được cho là hình mẫu ngoài đời của nàng Bạch Tuyết (Ảnh: BBC)
Câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết của 2 anh em Jacob và Wilhelm Grimm được xuất bản lần đầu vào năm 1812, và trở nên quen thuộc với khán giả toàn cầu cho đến tận ngày nay sau khi được Walt Disney chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 1937.
“Có rất nhiều dẫn chứng, dù vẫn chưa được xác thực, về việc phu nhân Sophia chính là hình mẫu ngoài đời của nàng Bạch Tuyết. Hiện nay, làm phim về một nhân vật lịch sử bao giờ cũng phải có một số tình tiết viễn tưởng, nên tôi nghĩ trường hợp của nàng Bạch Tuyết vừa có yếu tố hư cấu, vừa được dựa trên nền tảng những sự kiện có thật trong lịch sử.”
Câu chuyện về nàng Bạch tuyết mà chúng ta vẫn hay biết đến có một số điển tích vốn đã rất nổi tiếng:
- Một bà mẹ kế độc ác lên kế hoạch mưu sát Bạch Tuyết vì lòng đố kỵ.
- Một chiếc gương thần luôn trả lời “Bạch Tuyết” mỗi khi bà mẹ kế đặt câu hỏi: “Gương kia ngự ở trên tường – Nước ta ai đẹp được dường như ta?”
- Quả táo bị bà mẹ kế bỏ độc.
- 7 chú lùn đã từng cưu mang Bạch Tuyết, và đều làm việc dưới hầm mỏ.
- Một chàng hoàng tử tìm thấy Bạch Tuyết trong một quan tài kính và giải thoát cho nàng.
Ngoài ra, anh em nhà Grimm hồi đó cũng sinh sống ở gần vùng Hanau, cách thị trấn Lohr am Main chỉ 50 cây số.
Pháo đài tại Lohr am Main, nơi ở của phu nhân Sophia thời trẻ (Ảnh: Barbara Grimm)
Vào những năm 1980, tiến sĩ Karlheinz Bartels đã công bố nghiên cứu về sự tương đồng giữa cuộc đời phu nhân Sophia với câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết, vốn có tên gọi là Scheewittchen theo tiếng Đức:
- Cha của phu nhân Sophia, một nhà quý tộc có tên Philipp Christoph von Erthal, đã tái hôn sau khi người vợ đầu của ông qua đời. Mẹ kế của bà cũng là một người độc đoán và chỉ biết thiên vị người con đẻ của mình.
- Lohr vốn nổi tiếng là trung tâm sản xuất đồ thủy tinh và các loại gương kính. Cha của bà Sophia cũng từng sở hữu một nhà máy gương, và một bảo tàng tại nơi đây cho đến nay vẫn còn trưng bày một trong số những loại gương của nhà máy này, được khắc chữ “Amour proper” (tiếng Pháp nghĩa là “Niềm tự hào”).
- Khu rừng đáng sợ được nhắc đến trong truyện Bạch Tuyết được lấy nguyên gốc từ khu rừng ngoài đời ở ven thị trấn Lohr, nơi cũng nổi tiếng có nhiều đạo tặc và thú dữ.
- Bạch Tuyết đã chạy qua 7 quả đồi trước khi đến được ngôi nhà nơi 7 chú lùn ở ẩn; và một mỏ đá ở ngoại ô Lohr, nay đã bỏ hoang, cũng chỉ có thể được tiếp cận bằng cách đi qua 7 ngọn đồi.
- Các chú lùn ngoài đời chính là những đứa trẻ từng làm việc ở mỏ đá này. Chúng thường mặc áo choàng để bảo vệ bản thân khỏi việc bị đá hoặc đất rơi vào người.
Dù vậy, vẫn có một số chi tiết chỉ có ở trong truyện như chiếc quan tài kính (dù bố của phu nhân Sophia cũng là ông chủ nhà máy kính); quả táo bị bỏ độc; hay có một hoàng tử làm vị cứu tinh.
Bản thân cuộc đời phu nhân Sophia cũng không có một kết thúc có hậu: bà bị mù khi còn rất trẻ và mất tại một tu viện trong cảnh cô độc vào năm 1796, hưởng thọ 71 tuổi.
Bia mộ của phu nhân Sophia tại bảo tàng Diocesan ở Bamberg (Ảnh: Bảo tàng Bamberg Diocesan)
Ông Kempkens cho biết tấm bia mộ làm từ cẩm thạch của phu nhân Sophia được phủ một lớp phấn để bảo tồn một đoạn miêu tả trên nó, vì thế đòi hỏi một quy trình phục chế vô cùng cẩn trọng. Đoạn miêu tả viết: Nữ anh hùng cao quý của Thiên Chúa: đây là nơi bà an nghỉ sau chiến thắng của Đức Tin, để sẵn sàng được tái sinh ở kiếp sau.”
Đây là một dấu ấn mang tính lịch sử vì ở thời điểm đó, phụ nữ hiếm khi được tạc bia mộ cho riêng mình.
Tấm bia từng có thời được đem để ở một phòng khám địa phương, sau khi được tìm thấy bởi một người em của phu nhân Sophia. Khi phòng khám này được xây mới vào những năm 1970, tấm bia đã được di dời và cất giữ bởi một gia đình địa phương, những người sau đó đã hiến tặng cho bảo tàng tại Bamberg để nó trở thành một bảo vật vô giá được trưng bày tại đây cho đến nay.
Kho báu chứa hàng trăm đồ trang sức quý giá, trị giá lên tới hàng triệu USD được được phát hiện trong ngôi mộ của...