Ông bầu tóc bạc đang là chủ Ngân hàng ACB và là cổ đông của nhiều ngân hàng khác đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước khi đăng đàn kể tội VFF tại buổi họp tổng kết mùa giải 2011 ngày 8.9.2011.
Bầu Kiên cũng chính là tác nhân cho việc ra đời Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). VPF tuyên bố sẽ là tổ chức đi đầu cải thiện chất lượng giải vô địch quốc gia, giúp giải đấu trở nên hấp dẫn, kéo được khán giả đến sân hơn, hạn chế bạo lực...
Đã có những bất đồng giữa bầu Kiên và Đinh Thanh Trung |
Chưa dừng lại ở việc gây áp lực với VFF dẫn đến sự ra đời của VPF, ông Kiên tiếp tục gây ồn ào với việc đòi lại bản quyền bóng đá mà VFF đã ký với AVG tháng 12.2010 có thời hạn hợp đồng 20 năm. Việc này thậm chí còn ồn ào hơn so với thời điểm VPF ra đời khi báo chí hơn tháng qua liên tục có bài viết về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá. Trong vụ tranh chấp này, bầu Kiên vẫn thể hiện thái độ hết sức tự tin với những tuyên bố mạnh mẽ dù tuyên bố đó được gửi đến ai.
Đầu tiên là ông tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của bản hợp đồng giữa AVG-VFF. Với quan điểm này, ông ký công văn cho phép các đài truyền hình vào sân ghi hình trong khi tranh chấp bản quyền vẫn đang diễn ra. Bộ VH-TT-DL cũng đã vào cuộc chỉ đạo các đài truyền hình trong khi chờ đợi kết quả rõ ràng về việc phân định tính pháp lý của hợp đồng thuộc về ai thì phải tôn trọng hợp đồng mà VFF đã ký với AVG.
Sau đó, ông gửi công văn lên lên 3 bộ: VH-TT-DL, Tư pháp, Thông tin Truyền thông đòi thanh tra lại hợp đồng AVG-VFF. Chưa dừng lại, ông gửi công văn lên Thủ tướng đề nghị xem xét tính pháp lý của hợp đồng VFF-AVG. Nhận được đơn của VPF, Văn phòng Chính phủ đã truyền đi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL thanh tra hợp đồng giữa VFF-AVG, đồng thời chỉ đạo Bộ giải quyết vướng mắc để tạo điều kiện cho các đài ghi hình, phục vụ khán giả.
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi đến Bộ VH-TT-DL, yêu cầu Bộ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho các đài ghi hình, nhưng không hiểu vì sao, ông Kiên lại hiểu sai và tuyên bố các đài vào sân tác nghiệp tự do mà không cần xin ý kiến của AVG. Thêm một lần, ông Kiên lại có những tuyên bố mạnh mẽ.
Tên tuổi của bầu Kiên đã nổi hơn rất nhiều sau buổi lễ tổng kết mùa giải 2011 |
Vẫn là bóng đá và VPF, gần đây dư luận ồn ào về công văn hỏa tốc của Tổng Cục TDTT gửi VFF yêu cầu VFF chấn chỉnh các giải đấu quốc gia, hạn chế tình trạng bạo lực, đồng thời yêu cầu đổi tên giải đấu để dễ nhận biết là giải của Việt Nam.
Phản ứng sau công văn, ông Kiên cho biết: “Công văn Tổng Cục TDTT gửi VFF chứ không phải VPF” với ngụ ý, trách nhiệm thuộc về VFF. Về tên giải đấu, ông cho biết quan điểm: “Tên giải đấu là thương hiệu và danh dự”. Có thể hiểu, thương hiệu và danh dự ở đây theo ý của ông Kiên là nhờ có ông và các ông bầu khác mà đã “khai sinh” ra VPF và vì thế mới có Super League?
Và cuối tuần trước, tại vòng 4 giải vô địch quốc gia, ông Kiên lại được các báo nhắc đến, nhưng không được vui vẻ lắm khi cầu thủ Đinh Thanh Trung (CLB Bóng đá Hà Nội) của ông không tuân theo chỉ đạo mà ông yêu cầu, từ chối ra sân thi đấu.
Lý do được Thanh Trung cho biết là đã hết hợp đồng với CLB Bóng đá Hà Nội trong khi hợp đồng mới chưa ký do còn vướng mắc ở một số điều khoản. Phản ứng sau hành động này, ông Kiên muốn kỉ luật Thanh Trung là “đầy” xuống đội trẻ. Ông Kiên luôn nói làm việc theo luật, dựa vào luật mà giải quyết các vấn đề nhưng qua vụ việc với cầu thủ Đinh Thanh Trung dường như ông Kiên đã đi ngược lại những tuyên bố của mình.
Tranh chấp bản quyền truyền hình vẫn đang tiếp diễn nhưng gần đến ngày có kết quả thanh tra, ông Kiên lại khiến nhiều người tò mò với tuyên bố, ông còn nhiều điều bí mật tố VFF vi phạm khi ký hợp đồng với AVG. “Nói là các tài liệu mật nhưng cũng không có gì đặc biệt. Ngoài những vi phạm mà tôi đã nói từ trước, còn một số quy định trái với quy chế bóng đá chuyên nghiệp”, trả lời báo chí, ông cho biết như vậy.