Dân Việt

Bắc Giang:Thu hồi rồi bán đất cho dân gấp 40 lần để tăng ngân sách?

Ngô Hùng 16/08/2019 09:06 GMT+7
Nhiều bờ xôi ruộng mật, đất thổ cư của hàng chục hộ dân ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bỗng bị thu hồi để triển khai Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn (kéo dài) với "giá bèo". Sau đó, UBND huyện Lục Ngạn hạ tầng, rồi bán lại cho người dân với giá cao gấp 5, thậm chí hơn 40 lần.

Thu hồi rồi bán giá cao hơn 40 lần?

Đứng bên mảnh đất rộng 2.500m2 với đầy đủ nhà cửa, ao, vườn, bà Nguyễn Thị Mùi (SN 1967, khu phố Lê Hồng Phong, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) không khỏi buồn rầu, lo lắng về cuộc sống sau này của mình.

"Tôi sống độc thân đã lâu, năm 1991, tôi được bố mẹ để lại cho thửa đất 2.500m2. Sau bao năm tôn tạo, từ mảnh đất sình lầy, lau lách, đến nay đã thành nhà với vườn tược, ao hồ đầy đủ thì UBND huyện Lục Ngạn lại thông báo thu hồi để thực hiện dự án. Với số tiền bồi thường, hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, tôi chỉ mua được 150m2 đất ở trên chính thửa đất cũ của mình. Muốn có lại nhà để ở thì cũng chả có tiền đâu mà xây dựng”, bà Mùi lo lắng.

img

Người dân cho biết, huyện Lục Ngạn thu hồi hơn 60.000m2 đất của dân để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn (kéo dài), thực chất là bán lại với giá cao. Ảnh Ngô Hùng

Cùng chung nỗi lo lắng, bức xúc, ông Lương Đình Thắng trú cùng khu với bà Mùi cho biết, gia đình ông có 2992m2 đất sử dụng ổn định từ năm 1950, được UBND tỉnh Bắc Giang cấp sổ hồng năm 1998. Mới đây, UBND huyện Lục Ngạn ra quyết định thu hồi 1.778m2 để thực hiện dự án với số tiền được nhận chỉ 897 triệu đồng.

"Theo quy hoạch, trong phần đất bị thu hồi trên có gần 600m2 sẽ được phân làm khu biệt thự. Khi tôi có ý kiến, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói nếu muốn giữ lại chỉ còn cách mua không thông qua đấu giá (tức là 12 triệu đồng/m2) nếu không buộc phải cưỡng chế”, ông Thắng bức xúc.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Biên, gia đình ông ở ổn định từ năm 1975, theo thông báo, gia đình ông bị thu hồi 900m2. Trong đó đất thổ cư 70m2 được đền bù hơn 3 triệu đồng/m2, còn lại chỉ vài trăm nghìn đồng/m2.

img

Ông Nguyễn Xuân Biên là cựu chiến binh, chiến sỹ cách mạng bị tù đày tại Phú Quốc, hiện nay cả hai ông bà đều ốm yếu, phải dùng nạng đi lại, nhưng cũng rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở" khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Ảnh Ngô Hùng

"Bồi thường với giá rẻ là vậy, nhưng khi gia đình muốn mua lại thì huyện cho biết cái giá là 10 triệu đồng/m2. Nếu đây là dự án Quốc phòng an ninh hoặc xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng thì tôi hoàn đồng ý. Tuy nhiên, dự án chỉ một phần làm đường, còn lại là để phân lô bán nền. Đặc biệt, trong khi chúng tôi chưa nhận tiền đền bù nhưng dự án đã phân lô bán nền với giá 10 triệu đồng/m2”, ông Biên bức xúc.

"Ém" hồ sơ với báo chí

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn (kéo dài) do UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư, dự kiến đất thu hồi (giai đoạn 1) là 60.435,8m2 của 88 hộ dân.

Tại buổi đối thoại ngày 31/7/2019, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lục Ngạn cho rằng, mục tiêu thực hiện dự án là để mở rộng, phát triển đô thị, hình thành khu dân cư, tạo nhu cầu đất ở cho nhân dân. Nguồn vốn được vay từ ngân sách nhà nước. Việc bồi thường được lập theo các quy định pháp luật hiện hành. Đơn giá lô đất ở mới được tính bằng đơn giá bồi thường cộng với chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Tuy nhiên, theo người dân, giá đất mà huyện Lục Ngạn dự kiến bán lại cho người dân dù theo giá ưu tiên nhưng vẫn cao gấp nhiều lần so với giá đền bù ban đầu.

Nói về việc này, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn giải thích: Dự án là để thu ngân sách nhà nước thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất. Việc bồi thường hỗ trợ là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc xác định giá cũng đầy đủ theo đúng quy trình, quy định. Hiện nay đô thị hết sức xập xệ, mỗi một năm nhà nước chỉ đầu tư cho thị trấn 5 tỷ đồng. Với số tiền này chưa đủ để sửa đường chứ chưa nói đến phát triển. Trong khi đó, nếu như muốn phát triển thị trấn Chũ trở thành thị xã thì phải cần hơn 1000 tỷ đồng…

Tiếp đến, ngày 7/8, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lục Ngạn lại cho biết: Đây không phải dự án lấy ngân sách nhà nước để đầu tư trực tiếp mà đây là phải vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để thực hiện GPMB. Thế nên bây giờ, tỉnh cho huyện ứng được tiền bao nhiêu theo kế hoạch của tỉnh thì phù hợp với quy mô đó huyện mới triển khai thực hiện được, chứ không có nguồn khác để đầu tư.

img

Việc thu hồi đất của dân rồi bán lại với giá cao là nhằm để thu ngân sách?. Ảnh Ngô Hùng

Còn ông Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và khu công nghiệp thông tin: Quy hoạch toàn bộ khu trung tâm sẽ có nhiều phân khu, nhiều giai đoạn và phải căn cứ vào nhu cầu mua đất của người dân như thế mới thu hồi được vốn. Đây là đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước nên phải hạch toán để không thất thoát vốn. Thế nến thực hiện dự án phải đảm bảo cả tính kinh tế, mà thực chất ở đây là thu ngân sách nhà nước. 

Trả lời câu hỏi về việc, chính quyền thu hồi đất nông nghiệp của người dân, sau đó chuyển mục đích thành đất ở để bán đấu giá, ông Cao Văn Hoàn khẳng định, toàn bộ quy trình chuyển đổi mục đích do Sở TNMT tỉnh Bắc Giang quyết định.

"Quyền sở hữu ở đây là nhà nước, nếu như mỗi người dân nhỏ lẻ đều muốn giữ đất của mình thì không thể phát triển theo cái định hướng chung được. Ở đây, nhà nước quản lý bằng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, chứ ai cũng khư khư giữ lại một mảnh đất của mình thì không thể trở thành những hạ tầng nội bộ...", Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói.

Sau buổi làm việc với PV Dân Việt, lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết sẵn sàng cung cấp đầy đủ tài liệu về dự án cho PV với yêu cầu để lại địa chỉ email.  Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần, dù đã liên hệ nhiều lần, nhưng PV vẫn chưa hề nhận được các văn bản như đã hứa.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Luật sư Tạ Quốc Cường, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo Luật Đầu tư công, dự án này thuộc nhóm B do cấp huyện làm chủ đầu tư.

Muốn thực hiện được dự án này cần phải tuân thủ các thủ tục sau: Có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của UBND huyện Lục Ngạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 56, Luật Đầu tư công); Có trong Kế hoạch đầu tư công hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 53, Luật Đầu tư công); Được hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (Điều 29 khoản 3 và Điều 36 Luật Đầu tư công) và Được Chủ tịch UBND huyện quyết định đầu tư (Điều 39, Khoản 4.b, Luật Đầu tư công).

Tuy nhiên, các văn bản do UBND huyện Lục Ngạn cung cấp tính đến thời điểm hiện tại chưa thể hiện được việc dự án đã được lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đã được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư, đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của huyện...