Dân Việt

Lai Châu: Dân Tân Uyên góp đất, góp công làm nông thôn mới

Tuệ Linh -Thanh Ngân 14/08/2019 06:15 GMT+7
Năm 2008, huyện Tân Uyên (Lai Châu) được chia tách, thành lập từ huyện Than Uyên, vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) Tân Uyên gặp vô vàn gian khó. Nhưng bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, sau gần 10 năm xây dựng NTM, huyện Tân Uyên đã có 6/9 xã đạt chuẩn NTM; bộ mặt nông thôn tại các xã, bản, thôn đang thay đổi nhanh chóng.

Nhân dân Tân Uyên đóng góp được 814.447 m2 đất

Những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, UBND huyện Tân Uyên đã phát động phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc huyện Tân Uyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua đó được huyện Tân Uyên cụ thể hóa bằng phát động thi đua hàng năm, các chương trình hành động, kế hoạch, văn bản chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

img

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, huyện Tân Uyên đang từng ngày phát triển.

Trong quá trình phát động phong trào thi đua, các cơ sở có cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến, nhân tố nổi bật có nhiều sáng kiến đóng góp cho xây dựng NTM được huyện khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi nhằm mục đích tạo tính lan tỏa, khích lệ cán bộ, nhân dân ra sức thi đua, lập thành tích góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra. Từ đó, tạo ra khí thế thi đua chung sức xây dựng NTM, những khó khăn, vướng mắc đã dần dần được tháo gỡ.

Từ năm 2010 đến nay, huyện Tân Uyên đã có 84 tập thể, 204 cá nhân được khen thưởng: Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen cho 70 tập thể, 144 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 6 tập thể, tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 57 cá nhân. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 3 cá nhân.

img

Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang góp phần tạo nên diện mạo mới ở nông thôn ngày càng tươi sáng.

Bên cạnh đó, huyện Tân Uyên luôn chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã phối hợp tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xây dựng NTM ở 9/9 xã với 492 học viên tham gia. Học viên tham dự là các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý các xã và Ban Phát triển thôn bản.

Giai đoạn 2016 – 2020, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xây dựng NTM tại huyện với 117 học viên tham gia.

Qua các buổi tập huấn, các học viên đã nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, các học viên có thêm kiến thức, kỹ năng để tuyên truyền, vận động và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình.

img

Huyện Tân Uyên chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục cho con em học sinh để hướng tới phát triển bền vững.

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan đơn vị, UBND các xã trên địa bàn huyện Tân Uyên đã triển khai được 3.111 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị các cấp, với tổng số 197.579 lượt người tham gia; xây dựng được 728 băng zôn…

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay người dân ở các cấp cơ sở đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Nhiều cơ sở đã tích cực tham gia xây dựng NTM như: Chỉnh trang nhà cửa, vườn tược; hiến đất; góp công sức làm đường; thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi để nâng cao thu nhập. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân huyện Tân Uyên đã đóng góp được 814.447 m2 đất, 79.433 ngày công và hơn 11.400 triệu đồng tiền mặt làm NTM.

Tân Uyên phấn đấu về đích NTM năm 2020

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên, cho biết: Từ một huyện không có xã nào đạt chuẩn NTM thì đến nay, Tân Uyên đã có 6/9 xã cán đích NTM là các xã: Phúc Khoa, Nậm Cần; Pắc Ta; Thân Thuộc; Trung Đồng; Tà Mít. Năm 2019 này, huyện đang phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn là Mường Khoa, Hố Mít; năm 2020, phấn đấu hoàn thành nốt xã Nậm Sỏ để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện Tân Uyên đạt chuẩn NTM.

img

Đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tính đến nay, số tiêu chí cấp huyện đạt 05/09 tiêu chí, tăng 05 tiêu chí so với giai đoạn 2011 - 2015. Dự kiến đến năm 2020, số tiêu chí cấp huyện đạt 09/09 tiêu chí. Đối với số tiêu chí bình quân/xã, tính đến tháng 8/2019, bình quân mỗi xã đạt 17,11 tiêu chí, tăng 12,44 tiêu chí so với năm 2011, tăng 3,67 tiêu chí so với cuối năm 2015. Dự kiến đến năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 19,0 tiêu chí/xã. Số xã dưới 5 tiêu chí không có xã nào.

Ước tính đến hết tháng 9/2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32,67 triệu/người/năm, tăng 25,91 triệu so với năm 2011, tăng 17,8 triệu so với năm 2105. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,09%, tăng 33,1% so với năm 2011, tăng 2,69% so với năm 2015; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 96,67%, tăng 22,67% so với năm 2011, tăng 9,67% so với năm 2015.

img

Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được Tân Uyên quan tâm.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế - xã hội và các hình thức tổ chức sản xuất được chuyển đổi, phát triển theo hướng đa dạng, hợp lý; nông nghiệp phát triển gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, xã hội dân chủ, bình đẳng, ổn định, phát huy bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bản vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Được biết, để huyện Tân Uyên về đích theo đúng kế hoạch đề ra, trong thời gian tới huyện sẽ chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân.

img

Tân Uyên phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây chè. Mấy năm trở lại đây, huyện Tân Uyên đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất cây chè, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ưu tiên các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn tăng thu ngân sách tỉnh, huyện, nguồn thu sử dụng đất và các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế xã hội cho các xã, trong đó ưu tiên cho các tiêu chí chưa đạt, cho các xã phấn đấu đạt chuẩn theo lộ trình từng năm và xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, tham gia làm đường giao thông, khu thể thao nhà văn hóa và các công trình xây dựng khác; phát huy nội lực trong dân để thực hiện các tiêu chí như: Văn hóa, môi trường, nhà ở dân cư... thực hiện chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, vệ sinh môi trường khu dân cư. Tuyên truyền vận động người dân trong cộng đồng dân cư tích cực tham gia xây dựng thôn, bản điển hình trong xây dựng NTM...