Nhắc tới những giai thoại tình yêu thời Tam Quốc, không ít người thường nhớ đến chuyện tình "trai anh hùng – gái thuyền quyên" của Lữ Bố - Điêu Thuyền.
Dưới sức ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa, câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật này cho tới ngày nay vẫn trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên việc Điêu Thuyền có thực sự tồn tại hay không vẫn còn là một bí ẩn lịch sử gây tranh cãi. Và giai thoại tình ái của Lữ Bố - Điêu Thuyền cũng bởi vậy mà bị nhiều người nghi ngờ về tính chân thực.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng ít ai biết rằng, vào thời Tam Quốc còn có một vị võ tướng khác si tình hơn cả Lữ Bố, thậm chí còn sẵn sàng vứt bỏ cả sự nghiệp và tính mạng vì người phụ nữ của mình. Nhân vật này chính là Hạ Hầu Thượng – đại tướng quân cốt cán một thời của tập đoàn chính trị Tào Ngụy.
Hậu nhân sáng giá của gia tộc Hạ Hầu và chiến công "kích Thục Hán - phá Tôn Ngô"
Nhìn lại nội bộ năm xưa của tập đoàn chính trị Tào Ngụy, không khó để nhận thấy bên cạnh gia tộc Tào thị nắm quyền hành tối cao thì dòng họ danh tiếng còn lại là Hạ Hầu thị.
Chẳng những là thế lực phò tá Tào Tháo từ những ngày đầu lập nghiệp, gia tộc Hạ Hầu còn sản sinh ra không ít nhân tài xuất chúng phò tá cho cơ nghiệp Tào gia, và Hạ Hầu Thượng cũng là một trong số đó.
Hạ Hầu Thượng (? – 226), tự Bá Nhân, là cháu họ của Hạ Hầu Uyên và cũng là một bằng hữu thân thiết với Ngụy Văn đế Tào Phi từ khi còn trẻ.
Đánh giá về tài năng của vị tướng này, "Ngụy thư" từng nhận xét ông là một người biết trù tính đại cục, sở hữu trí tuệ xuất chúng, vô cùng được Tào Phi xem trọng, hai người cũng có thể xem như những người bạn từ thuở hàn vi.
Chẳng những có được một xuất phát điểm thuận lợi, lịch sử cũng rất mực ưu ái cho vị tướng họ Hạ Hầu này khi để ông có nhiều cơ hội thi triển tài năng trong thời loạn thế.
Năm Kiến An thứ 9, Tào Tháo bình định Viên Thiệu ở Ký Châu, Hạ Hầu Thượng được bổ nhiệm làm Tư mã, dẫn theo kỵ binh đi chinh phạt, sau đó được ban cho chức vụ Ngũ quân Trung lang tướng.
Năm Kiến An thứ 18, Tào Tháo trở thành Ngụy công, thiết lập chính quyền nước Ngụy, Hạ Hầu Thượng cũng được thăng chức làm Hoàng môn Thị lang.
Vào năm Kiến An thứ 23, đại quận Ô Hoàn phản loạn, Tào Chương và Hạ Hầu Thượng phụng mệnh đi đánh dẹp và chiến thắng trở về.
Khi Tào Tháo lâm bệnh qua đời, vị tướng trẻ tuổi của gia tộc Hạ Hầu ấy cũng cũng là người chủ trì việc hộ tống linh cữu của quân chủ trở lại Nghiệp Thành.
Kể từ đó, con đường quan lộ của ông ngày càng thuận lợi, đặc biệt là sau khi đạt được 2 thành tựu quân sự nổi bật hơn cả. Đó là chiến công đánh hạ thành Thượng Dung của Lưu Bị và lần thắng lợi trước Gia Cát Cẩn trong cuộc chiến Ngụy - Ngô vào 222.
Kích Thục Hán – phá Tôn Ngô, hai chiến công lẫy lừng này đã giúp Hạ Hầu Thượng trở thành một trong những võ tướng cốt cán hàng đầu của tập đoàn Tào Ngụy.
Chỉ tiếc rằng ngay khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, cuộc đời của Hạ Hầu Thượng đã phát sinh một biến cố ngoài ý muốn. Biến cố ấy chẳng những đã lấy đi sinh mạng của ông mà còn làm thay đổi vận mệnh của Tào Ngụy.
Vị tướng si tình bậc nhất Tam Quốc: Vứt bỏ cả sự nghiệp và tính mạng vì một tiểu thiếp
Trong tập đoàn Tào Ngụy, Tào thị và Hạ Hầu thị là hai gia tộc có địa vị cùng sức ảnh hưởng cao hơn cả.
Để củng cố quyền lực cũng như duy trì sự ổn định của nội bộ, Tào Tháo vẫn thường khích lệ các thành viên trong 2 gia tộc thành thân với nhau, và hôn nhân của Hạ Hầu Thượng cũng không phải ngoại lệ.
Về gia quyến của vị tướng này, các tài liệu chính sử đều khẳng định chính thê của ông là em gái Tào Chân và cũng là nghĩa nữ của Tào Tháo. Người vợ cả họ Tào ấy đã sinh cho ông một con trai cùng hai con gái.
Thế nhưng sự thực là Hạ Hầu Thượng năm xưa còn có một người ái thiếp trong phủ. Không ai biết nàng tên là gì, xuất thân ra sao, chỉ biết rằng người thiếp ấy từng được ông vô cùng sủng ái, thậm chí còn yêu chiều hơn vợ cả.
Tuy nhiên việc ông lạnh nhạt với chính thê họ Tào và cưng chiều ái thiếp đã vô tình giáng một bạt tai vào thể diện của Tào thị. Những nỗi uất ức của Tào phu nhân ở nhà chồng chẳng mấy chốc đã tới tai Ngụy Văn đế Tào Phi.
Bấy giờ, Tào Phi vì nóng giận nên đã sai người tới tận phủ Hạ Hầu ép người ái thiếp kia thắt cổ tự vẫn. Thế nhưng bản thân vị quân chủ ấy cũng không biết rằng, hành động này chẳng những không lấy lại thể diện cho gia tộc mà còn khiến giang sơn của ông mất đi một nhân tài hiếm có.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, sau khi mất đi người thiếp yêu, Hạ Hầu Thượng bi phẫn và đau lòng tới mức mắc phải tâm bệnh. Kể từ đó, tinh thần của ông không còn minh mẫn, ngẩn ngơ giống như người mất hồn, ngày ngày than khóc vì nhớ tới ái thiếp.
Tào Phi nghe được việc này, cho rằng Hạ Hầu Thượng vì một nữ nhân mà không màng việc nước, không ngại trở mặt với Tào gia, liền tức giận mà nói:
"Năm xưa Đỗ Tập xem thường Hạ Hầu Thượng quả đúng là có lý".
Tới năm 225, sau một lần lâm phải bạo bệnh, Hạ Hầu Thượng đã suy kiệt tới mức không gượng dậy nổi.
Trong khoảng thời gian ấy, Tào Phi nhiều lần đến tận phủ thăm ông. Chứng kiến vị mãnh tướng năm nào giờ đây đã chẳng còn minh mẫn, đến thân thể cũng sắp sức cùng lực kiệt, vị Hoàng đế ấy nhiều lần rơi nước mắt, không khỏi hối hận vì việc làm của mình năm xưa.
Thế nhưng hết thảy đều đã không còn cách vãn hồi, bởi cái chết của vị ái thiếp năm nào đã giáng một đòn chí mạng vào Hạ Hầu Thượng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi lâm bạo bệnh, ông đã qua đời vào năm 226. Tương truyền rằng năm ấy, vị tướng họ Hạ Hầu còn chưa bước qua tuổi 40.
Cái chết của người phụ nữ mình yêu thương dường như đã lấy đi tất cả động lực sống của vị võ tướng tài ba đó. Những thứ phù phiếm như quyền lực, sự nghiệp, danh tiếng… có lẽ cũng chẳng thể níu kéo ông ở lại nhân thế.
Ra đi vì "bệnh tương tư" khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, giờ đây mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Hạ Hầu Thượng, người đời vẫn thường nhớ về câu chuyện tình cảm động của vị tướng ấy và coi ông là nhân vật si tình bậc nhất thời Tam Quốc.